Tài chính - Chứng khoán
M&A doanh nghiệp cảng biển: Ván cược ngàn tỷ của Viconship
Thanh Thủy - 17/03/2023 08:35
Thương vụ mua lại một doanh nghiệp cảng biển hoàn tất sẽ giúp Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) đạt được bước “nhảy vọt” về tổng tài sản ngay các quý tới, nhưng hiệu quả của khoản đầu tư “khủng” này có thể phải chờ 3 - 5 năm tới.
Viconship đang thực hiện kế hoạch đầu tư lớn để nâng công suất cảng biển, khẳng định vị thế. Ảnh: Đ.T

Tiến gần “ngôi vương” công suất cảng biển

Nửa năm trở lại đây, Viconship làm nóng thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) bằng hàng loạt kế hoạch mua lại cổ phần với quy mô hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa tổ chức, tên tuổi doanh nghiệp cảng biển trong “tầm ngắm” của Viconship vẫn chưa được tiết lộ (do thỏa thuận mới đang trên bàn đàm phán), song ông Bùi Minh Hưng, Chủ tịch HĐQT vừa nhậm chức khẳng định, hoạt động đầu tư sẽ giúp Công ty dần tiến đến vị trí dẫn đầu về công suất cảng biển tại thành phố cảng Hải Phòng.

Theo kế hoạch đầu tư trình cổ đông, Viconship sẽ giải ngân gần 2.630 tỷ đồng trong năm 2023, lớn hơn nhiều mức 670 tỷ đồng năm trước. Phần lớn nguồn tiền này sẽ dành cho giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần để đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp cảng biển.

Ngoài ra, Công ty sẽ chi thêm 154 tỷ đồng cho Dự án Cảng cạn ICD, bao gồm xây dựng bãi 7 ha và kho 1,5 ha. Năm 2022, Viconship tăng vốn tại Trung tâm Logistics Xanh để công ty con này mua lại ICD Quảng Bình - Đình Vũ với giá trị đầu tư 497 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 9/2021, một thương vụ M&A khác cũng đã được hoàn tất. Viconship mua lại 36% cổ phần của Công ty cổ phần Cảng VIMC Đình Vũ - chủ đầu tư Dự án Bến 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Giá trị đầu tư vào doanh nghiệp cảng nước sâu này xấp xỉ 392,5 tỷ đồng.

Phương án đầu tư vào Vinaship - một doanh nghiệp vận tải biển đang niêm yết trên sàn - thông qua mua cổ phần không được đề cập trong kế hoạch năm 2023. Lãnh đạo Viconship xác nhận đang tạm dừng kế hoạch này. Đầu tư vào khách sạn cũng là một “gạch đầu dòng” được HĐQT Viconship nhắc đến khi báo cáo cổ đông. Tuy nhiên, Lãnh đạo Công ty khẳng định, đã đặt ra thứ tự ưu tiên cho những kế hoạch đầu tư, tập trung nhiều nhất vào cảng biển - mảng kinh doanh cốt lõi đang có hiệu quả.

Kể từ sau thương vụ liên doanh đầu tư vào Dự án VIP Green Port - một trong hai cảng “nòng cốt” hiện tại, quy mô tổng tài sản công ty mẹ Viconship đã tăng gấp đôi, từ mức gần 1.200 tỷ đồng hồi cuối năm 2014, lên 2.419 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022. Động lực chính và cũng là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (80%) trong cơ cấu tài sản của Công ty chính là những khoản đầu tư tài chính vào các công ty con, công ty liên kết với tổng giá trị 1.930 tỷ đồng.

“Trái ngọt” ở tương lai

Quy mô tài sản của Viconship đã mất 8 năm để mở rộng gấp hai lần, nhưng ngay các quý tới, khi thương vụ mua lại doanh nghiệp cảng biển mục tiêu hoàn tất, tổng tài sản của Viconship có thể tiếp tục nhân đôi. Kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được phê duyệt tại Đại hội đồng cổ đông 2023. Cụ thể, Công ty chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tương ứng 121,27 triệu cổ phiếu dự kiến được phát hành, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc đầu tư mua Dự án trong giai đoạn khó khăn đương nhiên sẽ thấy toàn cái khó, nhưng nhiều khi, cơ hội đầu tư chỉ đến với giá hợp lý khi thị trường đi xuống. Lãnh đạo Công ty chưa thể nói gì ở thời điểm hiện tại, nhưng cần lòng tin của các cổ đông để đầu tư mở rộng và tin tưởng Viconship sẽ có sân chơi to gấp đôi trong 3 - 5 năm tới.

- Ông Cáp Trọng Cường, Tổng giám đốc Viconship

Tổng vốn huy động gần 1.213 tỷ đồng sẽ dùng chủ yếu để đầu tư doanh nghiệp cảng mục tiêu (1.200 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động. Trước khi có nguồn vốn từ cổ đông, ngay từ cuối năm 2022, Viconship đã tăng vay nợ để bổ sung nguồn vốn cho các khoản đặt cọc tới 825 tỷ đồng - nhiều khả năng là một bước đi gần hơn cho thương vụ M&A quy mô “khủng”.

“Mở rộng hạ tầng”, “tăng công suất” là những lợi ích được lãnh đạo Công ty chỉ ra từ các thương vụ. Tuy nhiên, ông Bùi Minh Hưng cũng thừa nhận, cảng mục tiêu sau khi nhận chuyển nhượng chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong công tác làm thị trường và tìm kiếm khách hàng.

“Thông thường, hoạt động tìm kiếm khách hàng được hoàn tất vào tháng 10 năm trước. Lãnh đạo Công ty đã lường trước và làm việc với các khách hàng để giảm các chỗ trống của cảng mục tiêu”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, khoản đầu tư vào Cảng VIMC Đình Vũ đến cuối năm 2022 đã khiến Viconship phải trích lập dự phòng gần 20 tỷ đồng, tương đương 5% tổng giá trị đầu tư vào công ty liên kết này, dù cảng nước sâu tại Lạch Huyện đã đi vào hoạt động. Chi phí khấu hao cho dự án tăng lên cùng việc sản lượng tiếp nhận hàng hóa tại Cảng VIMC Đình Vũ vẫn còn rất nhỏ, nên sẽ tiếp tục lỗ ở năm 2023. Tương tự, Cảng cạn ICD từng thua lỗ trước khi về với Viconship cũng chưa mang lại “trái ngọt”. Có thể thấy, các khoản đầu tư mới sẽ tác động tiêu cực đến Viconship trong ngắn hạn.

Ảnh hưởng do tăng chi phí lãi vay ngân hàng để M&A (200 tỷ đồng) cùng khoản lỗ 40 tỷ đồng từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết là 2 nguyên nhân khiến kế hoạch lợi nhuận của Viconship “đi lùi”.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Viconship đặt mục tiêu doanh thu tăng 10%, lên mức 2.250 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế mục tiêu chỉ là 260 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với năm 2022. Trong trường hợp đạt kế hoạch đề ra, đây sẽ là năm thứ 2 lợi nhuận của Viconship suy giảm, sau khi xác lập kỷ lục vào năm 2021. Cùng với đó, kế hoạch cổ tức của Viconship năm 2023 dự kiến là 10%, chỉ bằng một nửa năm 2022.

Khác với việc kinh doanh, đầu tư là hoạt động cần thời gian mới thấy được thành quả. “Không thể trông chờ việc đầu tư giống như cái chạm tay của Vua Midas”, Lãnh đạo Viconship nhấn mạnh việc đầu tư có độ trễ, không thể lãi ngay.

Thời điểm hiện tại, thành quả của khoản đầu tư vào VIP Green Port hồi năm 2014 đã được chứng minh. Bởi vậy, khoản đầu tư “khủng” năm nay là “ván cược lớn” của Viconship cho 3 - 5 năm tới.

Tin liên quan
Tin khác