Doanh nghiệp
M&A ngành thực phẩm: Có nên mua tài sản “xấu”?
Thanh Huyền - 19/11/2016 08:44
Mua bán và sáp nhập (M&A) bằng cách mua lại các công ty có tài sản “xấu” vẫn có thể đem lại thành công cho doanh nghiệp nếu CEO đánh giá đúng chiến lược.
TIN LIÊN QUAN

Theo nghiên cứu của  Thomson Financial, IMAA, từ vị trí thứ 24 năm 2014, Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 19 vào năm 2015 và dự kiến đứng thứ 15 trong năm nay với khoảng 600 giao dịch, tổng giá trị lên tới 6 tỷ USD. Đáng chú ý, làn sóng M&A trong lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ và hàng tiêu dùng là vấn đề được bàn luận rất nhiều, do tiềm năng lớn từ thị trường hơn 93 triệu dân của Việt Nam.

Bám sát các vấn đề, xu hướng của nền kinh tế, chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã nhiều lần đề cập vấn đề M&A dưới nhiều góc độ khác nhau, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Sau số phát sóng ngày 13/11 với chủ đề “Mua bán sáp nhập - Đi tìm phương thức”, trên Fanpage của chương trình có rất nhiều ý kiến đồng tình với CEO, bởi đề tài liên quan đến cả 2 chủ đề hot là M&A và thực phẩm.

Bà Lưu Vân Trang (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Trước lo ngại về tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay, bạn Bùi Lan cho rằng, đây chính là cơ hội của doanh nghiệp. “Tôi ủng hộ việc CEO mua lại những cửa hàng thực phẩm vì làm chuỗi phân phối ‘từ trang trại đến bàn ăn’ lúc này quá hợp lý”, bạn Lan quả quyết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác bênh vực các cổ đông, hoặc đề nghị CEO nên cân nhắc ý kiến này.

Tình huống tạo ra những “tranh cãi” thú vị của khán giả mà chương trình đưa ra là về một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và phân phối rau, củ, quả sạch ra đời cách đây gần 5 năm. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở rộng và quy chuẩn hoá quy trình sản xuất, phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp này đã xây dựng được vị thế tốt trên thị trường, với mức tăng trưởng đều đặn.

Trong xu thế hội nhập, các đối thủ tuy ra đời sau, nhưng có tiềm lực lớn, am hiểu thị trường với những bước đi bài bản, khiến sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn. M&A là giải pháp mà CEO và các cổ đông đều nhất trí lựa chọn, nhưng mâu thuẫn giữa CEO và các cổ đông đã xảy ra trong quá trình bàn bạc để tìm kiếm và lựa chọn đối tác.

CEO cho rằng, công ty nên tập trung mua lại những công ty, cửa hàng thực phẩm sạch đang kinh doanh không tốt với giá rẻ để đưa vào hệ thống theo mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. “Làm được như vậy, doanh nghiệp vừa bảo đảm được chất lượng sản phẩm, vừa có hệ thống cửa hàng rộng khắp”, CEO quả quyết.

Các cổ đông cũng có lý khi nhận định, nếu làm theo cách của CEO thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra không ít nguồn lực, vốn để thu mua và xây dựng, thiết lập lại các hệ thống này, nên ẩn chứa nhiều rủi ro và khả năng thành công thấp. Các cổ đông đề xuất, nên đàm phán với các cửa hàng để tiến hành mô hình kinh doanh các sản phẩm của công ty dưới một thương hiệu và chất lượng sản phẩm đồng nhất. Như vậy, công ty sẽ chỉ tập trung phát triển thương hiệu và đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm có chất lượng, còn các cửa hàng sẽ cam kết về giá cả và dịch vụ bán hàng.

CEO vẫn bảo lưu ý kiến của mình, bởi các cửa hàng này không phải do công ty quản lý, có thể không tuân thủ các cam kết và tự làm theo ý sau một thời gian, dẫn tới rủi ro lớn về quản trị. Hơn nữa, để thực hiện mô hình này, công ty phải có những giá trị để bán cho đối tác (đặc quyền kinh doanh) mà công ty lại chưa có. Chưa kể đối tác có sẵn lòng mua đặc quyền kinh doanh đó không.

Tại số phát sóng 20/11 tới, CEO trong vai trò người chơi là bà Lưu Vân  Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Karta sẽ tìm sự giúp sức từ 2 chuyên gia là TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM và ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch Quỹ Đầu tư IDG Ventures Vietnam, để thuyết phục các cổ đông và hóa giải bài toán này. Lời giải của hai vị chuyên gia chắc chắn sẽ đem tới bất ngờ cho những khán giả yêu thích chương trình.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Tin liên quan
Tin khác