Tuy nhiên, năm 2022, thị trường dự báo còn sôi động hơn, với hàng loạt thương vụ M&A tỷ USD đang dần lộ diện.
VPBank là tổ chức tài chính có thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam năm 2021. Ảnh: Đức Thanh |
Lên sóng M&A công ty tài chính
Không tấp nập các thương vụ chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng mẹ, song năm 2021 lại chứng kiến làn sóng mua bán công ty tài chính với các giá trị kỷ lục.
Cuối tháng 10/2021, VPBank chính thức hoàn tất thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác SMBC (Nhật Bản), thu về gần 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cũng là thương vụ M&A lớn nhất của Việt Nam năm 2021.
Trước đó, cuối tháng 11/2021, MSB cho hay, ngân hàng này ký kết thỏa thuận bán 100% vốn công ty con FCCom cho đối tác nước ngoài. Thương vụ dự kiến được ký kết cuối năm nay và sẽ mang về cho Ngân hàng 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, ghi nhận vào năm sau. Con số này cao gấp 4 lần mức định giá mà một số chuyên gia phân tích dự báo trước đó.
Cũng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cuối tháng 8/2021, Ngân hàng SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).
Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, song chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht (155,77 triệu USD) để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.
Như vậy, M&A công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục dẫn sóng thị trường M&A ngân hàng Việt Nam. Giai đoạn 2017-2018, thị trường M&A công ty tài chính cũng dậy sóng với hàng loạt thương vụ lớn, như Techcombank bán Công ty Tài chính Techcombank Finance cho Lotte Card với giá 75,6 triệu USD; Prudential bán 100% vốn Prudential Finance cho Shinhan Card với 150 triệu USD; MB bán huyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank…
Ngoài các thương vụ trên, VietinBank đang trong quá trình thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty con, bao gồm VietinBank Leasing (đang trình Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp có thẩm quyền phê duyệt), Chứng khoán VietinBankSc, Công ty Quản lý quỹ VietinBank Capital.
Đối với việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng mẹ, thương vụ đáng chú ý nhất năm nay là OCB dự kiến phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện trong quý IV/2021. Thương vụ này, nếu thành công, sẽ đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại OCB lên 30%.
Một thương vụ gọi vốn ngoại đáng chú ý khác là HDBank ký thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với DEG đầu tháng 11/2021. Trước đó, HDBank đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 300 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp 2.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất chấp ảnh hưởng Covid-19, việc hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thành công chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam nói chung, cũng như lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Thêm những cú bắt tay tỷ USD
Nếu như năm 2021, thị trường M&A công ty tài chính tiêu dùng dậy sóng, thì năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại. Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ VPBank bán 15% cổ phần ngân hàng mẹ, dự kiến diễn ra đầu quý I/2022.
Trả lời cổ đông, lãnh đạo VPBank từng cho hay, thương vụ này sẽ mang về cho VPBank giá trị tương đương thương vụ bán 49% FE Credit (tức trên dưới 30.000 tỷ đồng). Như vậy, nếu thương vụ này được hiện thực hóa, M&A ngân hàng Việt Nam lại tiếp tục dậy sóng.
- Ông Jun Ohta, Tổng giám đốc Tập đoàn SMBC
Một thương vụ M&A có giá trị tỷ USD khác có thể diễn ra nay mai là Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn. Nếu thành công, Viecobmank cũng sẽ thu xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch chào bán riêng lẻ này được Vietcombank đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thể thực hiện, thời điểm tiến hành đang là dấu chấm hỏi.
Tương tự, năm nay, BIDV cũng lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 8,5% cổ phần. Với thị giá cổ phiếu hiện nay, nếu chào bán thành công, BIDV sẽ thu về khoảng 14.000 -15.000 tỷ đồng. Hiện ngân hàng này chưa hé lộ thông tin gì về lộ trình chào bán riêng lẻ số cổ phần này.
Ngoài các thương vụ lớn trên, một loạt ngân hàng trong nước cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, mới đây, SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược. Tương tự, OCB cũng đang chuẩn bị bán 10% vốn cho đối tác nước ngoài. NamABank, SCB, LienVietPostBank… cũng có kế hoạch tương tự.
Bên cạnh đó, dù nhiều ngân hàng TMCP đã cạn room vốn ngoại (30%), song theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường M&A ngân hàng tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại. Mặc dù nợ xấu ngân hàng Việt có nguy cơ tăng lên do ảnh hưởng của Covid-19, song ông Thinh cho rằng, nhờ kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng Việt rất lạc quan và dư địa thị trường còn rộng lớn, nên ngân hàng Việt vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, nhất là các lĩnh vực như tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ…