Viễn thông - Công nghệ
Tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững trong thời đại 4.0
Như Mai - 13/05/2019 14:42
Đầu tư và phát triển công nghệ ngày nay đã trở thành một xu hướng tất yếu khi cuộc cách mạng 4.0 đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn CNTT, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, chia sẻ với Báo Đầu tư về những vấn đề mà các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cần quan tâm trong kỷ nguyên số.
 Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn CNTT, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam

Trong thời đại 4.0, đầu tư vào chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của các doanh nghiệp tài chính - ngân hàng. Làm thế nào để các doanh nghiệp xác định lĩnh vực nào là trọng tâm và chiến lược cần có là gì?

Trên thực tế bất kỳ đơn vị nào khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số đều đặt ra câu hỏi: Làm cách nào có được chiến lược chuyển đổi số phù hợp? Trong đa số trường hợp, câu trả lời là: không tồn tại một chiến lược số riêng biệt, tách rời khỏi chiến lược phát triển chung của một doanh nghiệp hay một ngân hàng. Có thể nói, không có chiến lược số mà chỉ có chiến lược trong thời đại số.

Trong lĩnh vực ngân hàng, đa số doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị cũng như tính hiệu quả của hoạt động doanh nghiệp. Trong chuyển đổi số, một trong những mục tiêu hàng đầu là giúp cải thiện trải nghiệm, gia tăng sự hài lòng của khách hàng, tiếp cận những khách hàng mà trước đây chưa thể tiếp cận bằng các mô hình truyền thống. Chuyển đối số cũng dẫn tới việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, giúp tạo ra nhiều hơn, nhanh hơn các sản phẩm và dịch vụ mới cho khách hàng. Đặc biệt, quá trình này giúp tối ưu hóa các hoạt động cũng như các quy trình, qua đó cải thiện tương quan giữa chi phí và doanh thu. Đây là một số lĩnh vực có thể thực hiện thông qua chuyển đổi số. Tùy vào chiến lược đang theo đuổi hay thực hiện, các doanh nghiệp có thể lựa chọn trọng tâm đầu tư phù hợp.  

Vấn đề bảo mật ngày càng trở nên quan trọng với ngành ngân hàng trong thời gian qua. Theo ông, ngân hàng nên tận dụng công nghệ ra sao để tăng cường bảo mật?

Bảo mật thường liên quan tới các hoạt động kinh doanh số và là mối quan tâm lớn của hầu hết các đơn vị khi nói tới chuyển đổi số. Mặc dù vậy, các chính sách về bảo mật trong môi trường kinh doanh mới này cũng không có nhiều sự khác biệt, mà đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn dữ liệu và tính riêng tư của thông tin khách hàng. Đây là kim chỉ nam. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã có chính sách bảo mật và đã nỗ lực thực hiện đầy đủ các chính sách này trong các hoạt động thường ngày hay chưa?

Trên thực tế, các lỗ hổng bảo mật trong môi trường kinh doanh số thường đến từ môi trường kinh doanh truyền thống. Việc lộ thông tin số thẻ hay mật khẩu sử dụng trong một số trường hợp gần đây không phải là hiện tượng quá mới, mà đã có từ hàng chục năm trước. Trong một số hoạt động tín dụng thực hiện trực tuyến, rủi ro có thể đến từ những lỗ hổng hình thành từ môi trường truyền thống.

Trong chuyển đổi số, thực hiện bảo mật phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa một bên là các chính sách bảo mật, cơ chế quản trị trong doanh nghiệp để đảm bảo tính bảo mật và sự riêng tư của khách hàng được toàn vẹn trong bất kỳ môi trường nào; và thứ hai là các giải pháp công nghệ để nâng cao hơn nữa tính bảo mật cũng như an toàn, an ninh thông tin.

Nếu như trước đây, việc phát hiện gian lận trong các hoạt động tài chính như chuyển tiền, rút tiền là rất khó khăn thì ngày nay, sự phát triển của công nghệ cho phép phát hiện được ngay rủi ro sớm hơn rất nhiều. Không chỉ phát hiện sớm, các ngân hàng cũng có thể sử dụng dữ liệu để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn từ các giao dịch không nằm trong mô hình hành xử thông thường, hay nói cách khác là chống gian lận tài chính dựa trên dữ liệu.

Như vậy cần tiếp tục nâng cao cơ sở pháp lý, công nghệ cũng như quy trình trong mô hình truyền thống, đồng thời kết hợp các công nghệ mới như công nghệ phân tích dữ liệu, các phương pháp giao dịch trực tuyến mới, hay sử dụng trí tuệ nhân tạo và các “bot” để tự động hóa quy trình, cho phép nâng cao tính bảo mật.

Gần đây, ngày càng nhiều tổ chức phi ngân hàng giới thiệu các dịch vụ tài chính như chuyển tiền hay thanh toán. Rủi ro công nghệ của những tổ chức phi ngân hàng này là gì, và cần làm gì để giảm thiểu các rủi ro này?

Trên thực tế, việc các tổ chức phi ngân hàng tham gia vào cung cấp các dịch vụ ngân hàng là điều không tránh khỏi. Đó vừa là “mối đe dọa” với các ngân hàng, mà cũng là động lực thúc đẩy sự chuyển đổi của ngân hàng để có thể theo kịp và cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức này. Có hai khía cạnh cần lưu ý trên phương diện bảo mật, liên quan tới thu thập thông tin khách hàng và đảm bảo tính an toàn và riêng tư của thông tin. Ở Việt Nam, chúng ta có các quy định pháp luật về an toàn, an ninh thông tin. Trong đó, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng là một trong những đề tài chính. Các tổ chức phi ngân hàng tham gia vào cung cấp dịch vụ ngân hàng cũng nên phải tuân thủ theo các quy định đó.

Việc hợp tác giữa ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng sẽ giúp khách hàng có thể sử dụng nguồn tiền của mình đặt trong ngân hàng một cách mềm dẻo và thông minh hơn. Mặt khác sự hợp tác này cũng là sự phát triển tương hỗ để các tổ chức phi ngân hàng không ngừng nâng cao tính tuân thủ với các quy định về an ninh và bảo mật. Để đảm bảo tính tuân thủ và hạn chế rủi ro cho khách hàng nên có cơ chế để các tổ chức phi ngân hàng cũng sử dụng chung những quy chế tuân thủ như các ngân hàng. Có lẽ đó cũng là một cách đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Chúng ta đã nói nhiều về tiềm năng của fintech trong thời gian qua. Theo ông, xu hướng phát triển mới của fintech trong thời gian tới sẽ ra sao và sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech sẽ có điểm gì mới?

Trên thế giới có khoảng 10.000-12.000 fintech khác nhau đang hoạt động. Bản chất của fintech là các start-up nên luôn tuân theo quy luật tự nhiên là ra đời và diệt vong, rất ít các fintech có trở thành các “start-up kỳ lân” (có vốn hóa trên 1 tỷ đô la). Tuy vậy, đầu tư vào fintech ngày càng gia tăng chứng tỏ hoạt động này sẽ còn tiếp tục phát triển, hơn nữa ngày càng trở nên phong phú.

Theo thống kê, hoạt động chuyển tiền và thanh toán đang thu hút nhiều fintech nhất. Tần suất giao dịch thanh toán và chuyển tiền qua fintech đang ngày càng phát triển chóng mặt. Có thể lấy ví dụ như việc thanh toán chi phí đi lại qua ứng dụng gọi xe tại các thành phố lớn.

Tuy vậy thanh toán không phải là lĩnh vực duy nhất các fintech nhắm tới. Trong thời gian tới, các fintech sẽ tập trung nhiều hơn vào tư vấn quản lý tài chính, với bản chất là các hoạt động thu thập thông tin để trên cơ sở đó đưa ra lời khuyên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính cá nhân.

Lĩnh vực tiếp theo các fintech hướng tới là hoạt động tín dụng. Ở Việt Nam cũng như thế giới tồn tại nhiều hình thái của cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending). Nếu được cho phép, chức năng cho vay sẽ không còn là lĩnh vực độc quyền của các ngân hàng Việt.

Lĩnh vực cuối cùng không thể không nói tới là các fintech tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho những người sử dụng dịch vụ tài chính. Gần đây có một số ứng dụng mua nhà trực tuyến hay đơn giản như giao đồ ăn đã đưa các dịch vụ tài chính ẩn dưới các dịch vụ hàng ngày giúp tạo ra hệ sinh thái các dịch vụ kết nối với nhau. Nhờ vậy, các dịch vụ tài chính được trải nghiệm thường xuyên hơn, tiện lợi hơn, giúp phổ cập dịch vụ tài chính.  

Ở Việt Nam sự hợp tác giữa các fintech và ngân hàng là không tránh khỏi vì hầu hết các dịch vụ tài chính do các fintech cung cấp phải dựa vào tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên với việc Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tôi tin tưởng đây sẽ là khởi đầu cho các cơ chế thúc đẩy các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính phi ngân hàng.

Ngành ngân hàng thế giới đang đi tiên phong trong việc áp dụng nhiều công nghệ mới nổi. Các ngân hàng Việt nên quan tâm và ứng dụng những công nghệ nào để bắt kịp xu hướng toàn cầu trong thời gian tới?

Có một điều kiện rất thuận lợi, đó là trong lĩnh vực công nghệ không có rào cản biên giới, đặc biệt khi nói tới công nghệ giúp các ngân hàng chuyển đổi.

Thực tế là các công nghệ như điện toán đám mây (cloud) đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Việc các doanh nghiệp trong nước ứng dụng công nghệ điện toán đám mây thực sự là cuộc cách mạng xóa nhòa ranh giới về vật lý khi chúng ta đề cập tới năng lực về CNTT thực sự đang ở đâu. Trong môi trường truyền thống đó chính là cơ sở dữ liệu vật lý của ngân hàng, còn trong điện toán đám mây, năng lực từ hạ tầng cơ sở, cho tới các ứng dụng và giải pháp đều được mã hóa và đưa lên môi trường điện toán đám mây. Tuy nhiên, đang có những cản trở nhất định về ứng dụng điện toán đám mây tại Việt Nam, liên quan tới tâm lý, quan ngại về bảo mật và an toàn an ninh khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Hy vọng rằng trong thời gian tới khi các cơ quan quản lý có các chính sách, chỉ định rõ ràng hơn trong xử lý và đưa thông tin lên mạng, chúng ta sẽ có khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn giúp khai thác hiệu quả công nghệ này.

Ngoài ra, một trong các công nghệ có ảnh hưởng rất lớn tới ngành ngân hàng nói chung và doanh nghiệp nói riêng chính là trí tuệ nhân tạo (AI). Một nghiên cứu quốc tế gần đây của PwC đã chỉ ra rằng, 90% các CEO trong ngành ngân hàng và thị trường vốn coi đây là công nghệ có thể thay đổi mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp họ trong 5 năm tới. Vậy các ngân hàng cần làm gỉ? Họ cần xây dựng nguồn nhân lực có thể làm chủ được các công nghệ mới. Đây là yêu cầu không chỉ với các ngân hàng mà với bất cứ doanh nghiệp nào muốn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho mục đích phát triển.

Tin liên quan
Tin khác