Ngân hàng - Bảo hiểm
Fintech là nhân tố không thể thiếu trong nền kinh tế số
Thùy Vinh - 29/01/2019 08:10
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) với thương hiệu Ví điện tử MoMo cho rằng, công nghệ tài chính (fintech) là nhân tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ di động trực tuyến.

MoMo vừa hoàn tất việc gọi vốn từ Quỹ đầu tư Warburg Pincus. Khoản đầu tư này sẽ giúp MoMo những gì trong chiến lược phát triển, tăng trưởng năm 2019 cũng như các năm tiếp theo, thưa ông?

Với nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ từ Warburg Pincus, kế hoạch trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng thị phần. Cụ thể, MoMo sẽ tiếp tục củng cố nguồn lực, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới khách hàng và đối tác, tăng điểm chấp nhận thanh toán và đầu tư vào nguồn nhân lực để tạo ra được hệ sinh thái đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.

MoMo đang hợp tác với hơn 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh lực khác, như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, giải trí...

Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng sang các ngành khác nhằm đạt được nhiều mối quan hệ đối tác hơn trong các lĩnh vực mới, như dịch vụ hành chính công, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

MoMo cũng chú trọng xây dựng hệ thống bảo mật và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống phòng chống gian lận...

Trước Warburg Pincus, MoMo thu hút được nguồn vốn hơn 28 triệu USD từ Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE). Các khoản đầu tư này đã hỗ trợ MoMo ra sao?

Sau khi gọi vốn thành công vòng 2 năm 2016, nhờ sự hỗ trợ và bổ sung nguồn lực từ Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE), MoMo đã không ngừng hoàn thiện về công nghệ, đội ngũ nhân sự, chất lượng dịch vụ... Chính sự hỗ trợ này là tiền đề cho tăng trưởng đột phá của MoMo trong năm 2018, như số lượng giao dịch tăng gấp 3, số khách hàng đăng ký sử dụng tăng gấp đôi, đối tác kinh doanh tăng 10 lần…

Không chỉ rót vốn vào MoMo, đầu năm 2018, Warburg Pincus đã đầu tư hơn 370 triệu USD vào Ngân hàng Techcombank. Điều đó cho thấy, tầm ngắm của quỹ này là lĩnh vực fintech. Ông có thể cho biết, làm thế nào, MoMo thành công trong việc gọi vốn từ quỹ đầu tư này?

Hiện nay, trong bối cảnh phát triển toàn cầu để có thể phổ biến việc thanh toán không tiền mặt đến toàn dân Việt Nam, chúng tôi cần “bắt tay” với các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Nếu nhìn vào danh mục cũng như tìm hiểu triết lý đầu tư của Warburg Pincus, có thể thấy, nhà đầu tư này rất quan tâm đến việc đầu tư vào công nghệ và hạ tầng. Trong khi đó, MoMo được nhìn nhận là một công ty công nghệ tài chính, có đóng góp tích cực vào việc xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Mặt khác, để thu hút nhà đầu tư lớn, nguồn vốn lớn, công ty phải chứng tỏ sản phẩm, độ lớn của công ty và độ lớn của thị trường, đủ lớn để nhà đầu tư quan tâm đến thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Cũng cần phải nói thêm, tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thanh toán di động còn là lĩnh vực khá mới mẻ, nên còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp tham gia. Vì thế, sau một thời gian thẩm định, hai bên đã có được tiếng nói chung.

Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực fintech tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần?

Thị trường fintech tại Việt Nam là cực kỳ tiềm năng, vì tỷ lệ khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ tài chính còn rất lớn. Theo báo cáo gần nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ có 30% dân số có tài khoản ngân hàng. Đồng thời, với sự hỗ trợ của Chính phủ cùng chỉ thị về thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng, sự phát triển của các fintech sẽ là nhân tố không thể thiếu trong phát triển nền kinh tế số Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác