Ngân hàng
Vốn ngoại nhắm thị trường fintech béo bở
Hà Tâm - 06/09/2018 14:23
Một nhà đầu tư đến từ Thái Lan cùng một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc thông báo đã chuẩn bị sẵn hàng triệu USD và muốn rót vốn vào công ty công nghệ tài chính (fintech) Việt, nhằm bước chân vào thị trường thanh toán, thương mại điện tử đang bùng nổ tại Việt Nam.

Thị trường gần 8 tỷ USD

Nếu như đầu năm nay, cả nước mới chỉ có gần 80 fintech, thì thời điểm này, theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), số lượng fintech đã lên tới gần 100. Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Solidiance cũng cho thấy, giá trị giao dịch của thị trường fintech tại Việt Nam đang ở mức 4,4 tỷ USD, nhưng sẽ tăng lên 7,8 tỷ USD năm  2020, tức tăng gần gấp đôi trong vòng 2 năm tới.

Đây là lý do các nhà đầu tư đang tìm cách rót vốn vào các fintech Việt. Hiện tại, Tập đoàn Keb Hana (Hàn Quốc), ngoài đàm phán mua cổ phần Ngân hàng BIDV, đang tìm cách hợp tác với một fintech Việt. Đại diện tập đoàn này cho hay, họ sẵn sàng rót vốn trực tiếp hoặc thông qua một quỹ đầu tư. Tương tự, Senjo Group (một fintech đình đám của Singarpore với lợi nhuận trung bình 400 triệu USD/năm) cũng đang nhắm tới các fintech thanh toán tại Việt Nam.

Số lượng fintech tại Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua, lên tới gần 100 fintech đến thời điểm này. Ảnh: Đ.T

Hiện Việt Nam có 27 trung gian thanh toán, áp dụng các công nghệ mới như thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua mã QR… Thị trường cũng có 12 ngân hàng chấp nhận thanh toán bằng QR code với hơn 5.000 người dùng. Chưa kể, hầu hết các ngân hàng đều đã có kênh thanh toán qua Internet và điện thoại di động.

Mặc dù vậy, ông Gavin Lock, Giám đốc điều hành Senjo Group vẫn cho rằng, Việt Nam sẽ là một thị trường hấp dẫn của fintech thời gian tới. Rất có thể, khi đã đặt chân vào Việt Nam qua con đường thâu tóm hoặc đầu tư vốn, fintech này sẽ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thanh toán, mà còn mở rộng sang lĩnh vực cho vay. 

Trước Keb Hana, Senjo, Alipay (Trung Quốc) cũng thông qua một trung gian trong nước để đàm phán mua cổ phần một fintech trong nước.

Theo thống kê của NHNN, trong 2 năm qua, đã có gần 130 triệu USD được các nhà đầu tư ngoại rót vào fintech Việt. Một số thương vụ tiêu biểu là: UTC Investment (Hàn Quốc) đã chi ra 542 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần VNPT Epay, MOL Accessportal mua 50% cổ phần Ngân Lượng, NTT Data mua 64% cổ phần Payoo, True Money mua 40% cổ phần của 1Pay, nhóm nhà đầu tư Credit Saison, Golden Gate Ventures và GMO Global Payment Fund mua 25% cổ phần của Bảo Kim… 

Ngân hàng, fintech nội khẩn trương giữ thị phần

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), Việt Nam đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi cho fintech phát triển. Cụ thể, có tới 51 triệu người sử dụng điện thoại thông minh (53% dân số), 64 triệu người sử dụng Internet (chiếm 66,3% dân số), mạng di động 3G, 4G bao phủ khắp nước… Vì vậy, việc nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm đến thị trường fintech Việt là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh vốn ngoại đang tìm cách săn tìm fintech nội, các ngân hàng cũng đẩy nhanh tốc độ “bắt tay” với fintech. Nhiều ngân hàng đã phải chủ động tìm đến các hãng công nghệ, các fintech để hợp tác, thay vì fintech phải cầu cạnh ngân hàng xin hợp tác như các năm trước.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho hay, tuy có mạng lưới lớn nhất nhì hệ thống với hơn 1.000 điểm giao dịch, song ngân hàng này đang bắt tay với 10 fintech cả trong và ngoài nước. “Chúng tôi tin rằng, ngân hàng không thể đi một mình. Đó là lý do chúng tôi đã bắt tay với fintech và sẽ tiếp tục hợp tác với fintech thời gian tới. Hy vọng, với sự hợp tác này, cuối năm nay, đầu năm sau, chúng tôi sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới”, ông Lân cho biết.

Khó khăn lớn nhất để fintech phát triển ở Việt Nam hiện nay là khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Để xin giấy phép hoạt động thí điểm, nhiều fintech phải mất cả năm trời, khiến họ nản lòng.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn quá độ này, khi các nhà đầu tư ngoại vẫn từng bước thăm dò thị trường, thì các ngân hàng cần tăng tốc bắt tay với fintech để giành lợi thế thị phần. Trong khu vực ASEAN, trước làn sóng thâm nhập của nhiều fintech ngoại, Chính phủ nhiều nước đang cố gắng tạo cơ chế cho ngân hàng và fintech nội phát triển.

Đáng mừng là các ngân hàng có cách nhìn rất tích cực về fintech. Khảo sát của NHNN mới đây cho thấy, có 81% ngân hàng Việt lựa chọn mô hình hợp tác với fintech để phát triển, thay vì tự nghiên cứu sản phẩm. Nếu sự bắt tay này thành công, hai bên sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững để bảo vệ lẫn nhau, tránh thâu tóm và bảo vệ sản xuất trong nước.

"Hiện NHNN đã hoàn thành cơ bản dự thảo Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm về fintech để trình Chính phủ, cố gắng sẽ trình trong tháng 8 hoặc tháng 9/2018. Theo đó, NHNN sẽ mở đường cho các sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng mới như ví điện tử, eKYC, P2P… Bên cạnh đó, một chuẩn chung về mã QR code cũng sẽ được ban hành vào năm 2019 để tạo thuận lợi cho fintech và ngân hàng hợp tác thanh toán".

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)

Tin liên quan
Tin khác