- Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 1: Một mình ngậm đắng nuốt cay
- Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 2: “Ẵm” 10.000 tỷ đồng trái phiếu, nhà phát hành “biến mất”
- Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 3: “Ngã ngửa” với doanh nghiệp và tài sản bảo lãnh trái phiếu
- Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 4: Bí ẩn 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát: - Bài 5: Luật sư đồng loạt “mổ xẻ” pháp lý cứu trái chủ
Bài 1: Tiền khổ chủ, ai sử dụng?
Ở nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang gây khốn đốn cho họ, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) không chỉ đóng vai trò tư vấn, đại lý phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, mà còn là tổ chức mua sơ cấp rồi bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp.
Đầu tư sơ cấp từ trái phiếu Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An…
Như Báo Đầu tư phản ánh, năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Tân Thành Long An) đã thế chấp quyền sử dụng một khu đất hơn 177 ha thuộc Dự án Khu đô thị Việt Phát (nằm trong Dự án Khu đô thị và công nghiệp Việt Phát - huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để làm tài sản đảm bảo cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) phát hành 5 đợt trái phiếu riêng lẻ có tổng trị giá 10.000 tỷ đồng.
Đợt phát hành đã khiến Vạn Trường Phát không có hoạt động nổi bật, trở thành một trong những doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong năm 2021.
Những khổ chủ đi kêu cứu khắp nơi Ảnh: Ngô Nguyên |
Nhưng tới kỳ hạn trả lãi, từ tháng 10/2022 tới tận bây giờ, Vạn Trường Phát không những không trả, mà còn không hề có bất kỳ hồi đáp nào. Trụ sở Vạn Trường Phát đã “vườn không nhà trống” từ cuối năm 2022.
Với lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát nêu trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, TVSI không chỉ là đơn vị tư vấn, mà còn kiêm luôn đại lý đăng ký, lưu ký, đại lý thanh toán, đại diện người sở hữu trái phiếu và kiêm luôn… trái chủ, tức đầu tư sơ cấp.
Cụ thể, tại Bản công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu mã VTPCH2126001 (đợt phát hành đầu tiên, trị giá 2.000 tỷ đồng), Vạn Trường Phát thông tin, chỉ có 1 nhà đầu tư trong nước mua 100% là một công ty chứng khoán (không nêu tên).
Theo trái chủ, kiêm luật sư H. Nguyễn (Hà Nội), ngay cả hợp đồng trái phiếu giữa TVSI với trái chủ có điều khoản mua lại, nhưng TVSI cũng không thực hiện. Cụ thể, tại email trả lời trái chủ H. Nguyễn về thông báo phương án thực hiện đối với hợp đồng trái phiếu đến hạn từ 6/3/2023, TVSI khẳng định, TVSI có trách nhiệm mua lại trái phiếu theo điều khoản hợp đồng. Nhưng TVSI không thể thực hiện mua lại trái phiếu bởi “tài khoản TVSI tại SCB bị đóng băng số tiền 1.611 tỷ đồng không rõ nguyên nhân…
TVSI hiện nắm giữ một lượng lớn trái phiếu với trị giá 1.700 tỷ đồng và hiện tại số trái phiếu này cũng không thể thực hiện giao dịch vì thị trường không có người mua. Trong khi đó vốn điều lệ của TVSI chỉ có 2.6039 tỷ đồng, nên hiện tại, TVSI không có khả năng mua lại trái phiếu thời điểm này”.
Tuy nhiên, mới đây, trước truy vấn gắt của trái chủ Đ.T. Tùng (ngụ tại TP.HCM, “dính” trái phiếu Vạn Trường Phát hơn 7,7 tỷ đồng), TVSI có Văn bản số 451/2023 ngày 3/7/2023 xác nhận doanh nghiệp này là một trong những nhà đầu tư sơ cấp trái phiếu Vạn Trường Phát.
Chưa hết, 1 tháng trước khi thế chấp quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An cùng SCB định giá 7.300 tỷ đồng khu đất gần 300 ha trong Dự án Khu công nghiệp Việt Phát để làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu của riêng mình.
Tới tháng 7/2021, Tân Thành Long An đã phát hành xong lô trái phiếu mã TLACH2126001, tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng để huy động vốn cho dự án khu công nghiệp, dù vốn chủ sở hữu thời điểm đó chỉ có 1.913 tỷ đồng. Tới giờ này, trái chủ Tân Thành Long An vẫn kêu cứu khắp nơi vì tổ chức phát hành “mất dạng”, tiền lãi không thấy đâu, mà nguy cơ mất trắng lại hiển hiện.
Và TVSI lại cũng chính là “đạo diễn”, kiêm luôn trái chủ khi vừa là đơn vị tư vấn phát hành, đại lý phát hành, lưu ký, thanh toán, đại diện người sở hữu trái phiếu và là nhà đầu tư sơ cấp.
Minh chứng, TVSI đã thừa nhận tại buổi làm việc với 6 trái chủ ở Hà Nội hồi tháng 4/2023: “Đúng là TVSI đã mua toàn bộ lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng đó và đã trả hết cho tổ chức phát hành”.
TVSI còn nói rõ thêm: “Các chứng từ thanh toán đã được cơ quan chức năng kiểm tra, hiện không có kết luận về sai phạm trong phát hành trái phiếu” (?).
Sau mua sơ cấp, TVSI đem bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp thông qua SCB (trái phiếu Vạn Trường Phát) hoặc trực tiếp (trái phiếu Tân Thành Long An).
Tới cả trái phiếu Bông Sen
Tháng 10/2021, Công ty CP Bông Sen (Bông Sen) phát hành thành công lô trái phiếu mã BSECH2126003 trị giá 4.800 tỷ đồng, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng tài sản, đáo hạn ngày 15/10/2026. Khoảng 2.000 người là trái chủ lô trái phiếu này.
Từ tháng 9/2022, TVSI có gửi Thông báo số 1048/TB-TVSI tới Bông Sen về việc thanh toán lãi kỳ 4, với số tiền lãi đến hạn hơn 127 tỷ đồng. Bông Sen sau đó có nhiều văn bản hồi đáp cam kết trả, nhưng tới giờ này, trái chủ chưa nhận được xu nào tiền lãi.
Trái phiếu này, lại cũng TVSI làm tư vấn, kiêm đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý đăng ký, lưu ký và đại lý thanh toán.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức ngày 23/6/2023, TVSI cho hay, doanh thu hoạt động năm 2022 giảm hơn 24,05% so với năm 2021 (-808 tỷ đồng); Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 494,48 tỷ đồng, giảm hơn 32,62% so với năm 2021 (733,87 tỷ đồng). Tài sản doanh nghiệp này giảm từ 6.697 tỷ đồng (năm 2021), xuống 4.337 tỷ đồng (năm 2022), tương đương giảm 35%. Năm 2023 này, TVSI chỉ… phấn đấu hòa vốn.
Doanh nghiệp này hiện đang bị Sở Giao dịch Chứng khoán đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch. Nguyên nhân là, TVSI bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đến ngày 31/12/2022 của công ty không được kiểm toán. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến 17/9/2023.
Mới đây, TVSI đã được Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY ký hợp đồng chấp nhận kiểm toán Báo cáo tài chính và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính cho các năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021, 31/12/2022 và 31/12/2023. Trước đó, không công ty kiểm toán nào chịu kiểm toán cho TVSI.
Chưa dừng ở đó, hồi tháng 11/2022, tại buổi làm việc giữa Bông Sen với TVSI và trái chủ, đại diện Bông Sen thành thực: “Tổng trị giá trái phiếu phát hành là 4.800 tỷ đồng và bán cho 2 nhà đầu tư sơ cấp là TVSI và… Tân Thành Long An. Bông Sen đã thu đủ tiền từ nhà đầu tư sơ cấp trên”.
Còn với trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo của Công ty CP Đầu tư Quang Thuận (Quang Thuận) phát hành năm 2018 và 2020 còn lưu hành với tổng trị giá 7.500 tỷ đồng, TVSI không phải là nhà đầu tư sơ cấp, mà chi tiền mua lại từ các nhà đầu tư sơ cấp/thứ cấp, rồi bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp khác (theo biên bản làm việc giữa TVSI và trái chủ ngày 28/11/2022) thông qua kênh SCB.
Tiền của khổ chủ, ai “xài”?
Trả lời chất vấn khổ chủ trái phiếu Vạn Trường Phát, Tân Thành Long An, TVSI cho rằng, tiền nhà đầu tư sơ cấp đã chuyển cho tổ chức phát hành sử dụng theo mục đích phát hành trái phiếu.
Bỏ tiền mua sơ cấp để bán lại, TVSI thành nhà đầu tư thứ cấp nên: “Trước ngày đáo hạn trái phiếu, các bên có quyền tự do chuyển nhượng/mua bán trái phiếu theo quy định của pháp luật. Đối với Hợp đồng mua bán trái phiếu giữa TVSI và khách hàng hàng, thì TVSI là bên sở hữu trái phiếu thực hiện bán trái phiếu sang cho khách hàng, đồng thời, khách hàng thanh toán tiền mua trái phiếu cho TVSI. Do đó, tiền bán trái phiếu theo các hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký với khách hàng được TVSI sử dụng vào các hoạt động kinh doanh của TVSI”, TVSI hồi đáp với trái chủ Vạn Trường Phát như vậy.
Tương tự, tiền các khổ chủ mua trái phiếu Bông Sen với TVSI, được chuyển vào tài khoản TVSI và doanh nghiệp này dùng phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả mua trái phiếu.
Với hoạt động mua bán của mình, TVSI cho rằng, thuộc phạm vi nghiệp vụ tự doanh chứng khoán quy định tại khoản 2, Điều 86, Luật Chứng khoán năm 2019 về “Hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và chi nhánh, văn phòng đại diện công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam”. Đồng thời, TVS1 cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán theo Giấy phép cấp ngày 28/12/2006.
Thế nên, TVSI cho rằng: “Không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan tới việc tài sản đảm bảo bị mất. Vấn đề liên quan đến trả nợ, thu xếp nguồn trả nợ là của tổ chức phát hành” (trả lời của TVSI với trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An ngày 5/4/2023).
Và cũng bởi đầu tư sơ cấp, bán chưa kịp hết, nên TVSI vẫn là “nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Vạn Trường Phát” (trích trả lời trái chủ Đ.T. Tùng mới đây).
Tư liệu của chúng tôi, TVSI đang nắm giữ gần 1.700 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó có khoảng 1.189 tỷ đồng thuộc trái phiếu liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát, Sunshine… và hầu hết thuộc diện mua lại bắt buộc do vi phạm thanh toán gốc/lãi hoặc vấn đề khác. Còn lại hơn 500 tỷ đồng thuộc các doanh nghiệp khác, tuy nhiên, nhiều trái phiếu hiện đang chờ xử lý tài sản đảm bảo hoặc đang có vấn đề khác.
(Còn tiếp)