Không chỉ cho “con mồi” lợi nhuận, “chuyên gia” còn hùn thêm hàng ngàn USD để cùng đầu tư nhằm tạo tin tưởng, đẩy nhà đầu tư vào thế “con bạc khát nước” và không thể từ chối việc mua số lượng cổ phiếu lớn. Chỉ 5 giây sau khi đặt lệnh cùng với chiêu sự cố kỹ thuật, tài khoản của khổ chủ “cháy khét”.
Hàng chục gian hàng của các sàn chứng khoán quốc tế, Forex núp bóng hội thảo công nghệ triển lãm để dụ người dân tham gia đầu tư |
Nạp 65.000 USD, thưởng ngay… 35.000 USD
Bà H.Sương (trú tại TP. Thủ Đức - TP.HCM) là một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng vừa bị “bay” 13 tỷ đồng khi thử sức “đánh” chứng khoán quốc tế trên sàn quốc tế tại… Việt Nam và phải kêu cứu, gửi đơn tố cáo lên cơ quan Công an TP. Hà Nội và Công an TP.HCM.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 7/2023, thấy mời chào trên Facebook về việc cam kết lợi nhuận khi tham gia sàn và đầu tư chứng khoán quốc tế, bà H.Sương cẩn thận bay ra Hà Nội, lên tận trụ sở của sàn (xin tạm chưa nêu địa chỉ để phục vụ điều tra của cơ quan công an) và được nhân viên cho “mục sở thị” các lệnh lời lãi trong các giao dịch.
Về TP.HCM, ngày 13/7/2023, theo hướng dẫn của nhóm Zalo Support của sàn (gồm 3 người là H.Tuấn, T.Anh có nhiệm vụ tư vấn và M.Vân hỗ trợ đi lệnh), bà mở một tài khoản để “chơi chứng” tại sàn giao dịch Ascuex.com. Sàn này được quảng cáo là đến từ châu Âu, cung cấp giao dịch 5 loại sản phẩm gồm: ngoại hối, cổ phiếu, hàng hóa, chỉ số, tiền điện tử.
Khi bà nạp 65.000 USD thông qua tài khoản Công ty TNHH V.X.F (xin tạm chưa nêu tên) theo hướng dẫn, lập tức sàn Ascuex.com thưởng thêm một khoản tiền khủng tới… 35.000 USD.
Sau đó, theo hướng dẫn trong nhóm Zalo Support, với khẳng định sẽ lãi 10%, bà “đánh” cổ phiếu TikTok và đúng là lãi thật. Hơn thế, sàn còn cho bà rút tiền ngay hôm sau, khiến niềm tin của nhà đầu tư tăng gấp bội.
Tung chiêu buộc nạp thêm tiền “đánh chứng”
Quá tin tưởng, hôm sau, bà H.Sương nạp 70.000 USD và được “chuyên gia” T.Anh hướng dẫn lập tài khoản Telegram, đưa vào nhóm Glory.
Vào nhóm, lại cũng theo hướng dẫn của “chuyên gia”, bà được mua cổ phiếu Tesla, Apple và Ger, nhưng bị âm tài khoản, phải nạp thêm tiền. Bà H.Sương nạp tiếp 2 lần nữa, tương ứng số tiền 140.000 USD. “Chuyên gia” hướng dẫn bà tháo đầu cân lệnh cổ phiếu Apple và Ger, nhưng tài khoản vẫn âm và phải cân lệnh tiếp. Lúc đó, bà kêu trời rằng không còn tiền, “chuyên gia” bèn xúi đi vay lãi ngoài bởi chắc chắn “hàng” lên, bỏ lỡ thì không còn cơ hội.
Theo cơ quan công an, các đối tượng sử dụng Zalo, Telegram để kết bạn, hướng dẫn nhà đầu tư tạo tài khoản trên trang web: www.acxfx.com, đưa ra thông tin như: bảo đảm nạp/rút tiền, mua cổ phiếu hưởng cổ tức lợi nhuận rất cao, hạn chế rủi ro gần như bằng không. Các đối tượng còn hứa hẹn, sau khi nhà đầu tư nạp tiền sẽ giới thiệu chuyên gia tư vấn chứng khoán có trình độ cao theo sát, hỗ trợ giao dịch trên sàn. Tất cả những điều chúng làm là nhằm để nhà đầu tư tự nguyện chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đứng tên nhiều công ty khác nhau rồi chúng chiếm đoạt.
“Tôi đi vay được 140.000 USD nạp vào và một “chuyên gia” trong nhóm Zalo Support còn hỗ trợ góp thêm vào tài khoản của tôi tới 65.000 USD để đủ tiền “đánh”. Sau đó, họ tháo đầu lệnh cổ phiếu Ger và cho tôi mua rất mạnh tay cổ phiếu VinFast. Vào thời điểm đó, tài khoản của tôi dương thành 18 tỷ đồng, trong đó có 9 tỷ đồng tiền gốc của tôi, tức lãi gấp đôi”, bà H.Sương kể lại.
Chỉ 5 giây “bay” 18 tỷ đồng
Với tài khoản dương 18 tỷ đồng, tới ngày 26/8/2023, bà H.Sương đòi rút tiền ra để trả khoản vay lãi ngoài, nhưng một người trong nhóm Zalo Support khuyên cố gắng để đến cuối tháng mới rút, để sàn Ascuex chạy đủ KPI.
Tới ngày 28/8/2023, bà H.Sương lại muốn rút tiền thì “chuyên gia” sàn “hé lộ” rằng, cổ phiếu TikTok được IPO (chào bán lần đầu ra công chúng) và khuyên bà H.Sương khẩn trương mua 40.000 cổ phiếu này, chắc chắn sẽ thắng. Bà H.Sương chỉ chấp nhận mua 5.000 cổ phiếu chứ không chịu mua số lượng lớn như vậy. Lúc này “chuyên gia” mới thẳng thừng rằng, trong tài khoản bà có 65.000 USD của một thành viên nhóm Zalo Support cho mượn, nên phải mua cả cho họ, ít nhất cũng 20.000 cổ phiếu, bởi họ không thể vì bà mà mất cơ hội thắng trận này.
Nghe vậy, bà H.Sương cả nể, nên đặt lệnh mua và chỉ đúng 5 giây sau, giá mã cổ phiếu TikTok “lao dốc không phanh” làm “cháy” sạch tài khoản, tức mất sạch 18 tỷ đồng tiền gốc và lợi nhuận.
“Sau này bình tĩnh lại, tôi tìm hiểu mới biết cổ phiểu TikTok bị hoãn IPO từ lâu và không có giá như giá mà tôi bị dụ mua trên sàn”, bà H.Sương uất nghẹn kể.
Khi vào thế “con bạc khát nước”
Trước hoảng hốt của nhà đầu tư khi 5 giây mất sạch tiền, các “chuyên gia” kẻ tung, người hứng đổ lỗi cho sàn cung cấp thông tin không chính xác về mã cổ phiếu TikTok, rồi cũng thay phiên nhau “chân thành” chia sẻ kinh nghiệm, hoặc an ủi “thắng thua là chuyện thường của dân chứng”, rồi khuyên bà H.Sương nên mở tài khoản khác để kiếm lời.
Như “con bạc khát nước”, bà H.Sương mở tài khoản thứ hai, nạp vào tới 200.000 USD. Lúc này, cả hai “chuyên gia” kiêm nhà đầu tư là T.Anh và M.Vân “đồng hành” với bà khi góp thêm vào tài khoản của bà lần lượt là 625 triệu đồng và 180.000 USD để cùng “đánh”.
Với sự “chung lưng đấu cật” trên, các “chuyên gia” đã tạo hơn nữa lòng tin khiến bà H.Sương “dũng cảm” chấp thuận cùng họ nhồi lệnh (thả lệnh để khớp liền, chứ không theo nguyên tắc trả giá - PV) “đánh” lớn các mã cổ phiếu như VNG, Tesla, Apple, Usoi, Sausd…
“Lúc đó, họ cho tôi mua mã cổ phiếu VNG. Kỳ lạ là, trong phiên giao dịch, cổ phiếu VNG mà tôi mua lại vọt lên 80 giá, khiến tài khoản lời tới 400.000 USD, dù trước đó âm”, bà H.Sương nhớ lại.
Nhưng đúng khoảnh khắc đó, sàn “quốc tế” khẩn cấp báo là do lỗi kỹ thuật khiến giá cổ phiếu VNG tăng, nên thu lại tiền và tài khoản bà H.Sương lại rơi trạng thái âm, muốn “cháy”. Thấy vậy, bà H.Sương khẩn cấp cân lệnh, cắt hết tài khoản, nhưng chỉ kịp rút về được 39.000 USD.
“Tổng cộng sau các cuộc “đánh chứng” đó, tôi mất 13 tỷ đồng”, bà H.Sương cho hay.
Ngang nhiên “tung hoành”
Từ nhiều năm trước, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có hàng loạt cảnh báo với nội dung, theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
Song, thời gian qua, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế, hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, thậm chí tự tổ chức sàn giao dịch chứng khoán quốc tế để kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán. Hình thức kêu gọi đầu tư phổ biến là thông qua mạng xã hội và trực tiếp gọi điện, nhắn tin. Các đối tượng này hướng dẫn nhà đầu tư mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng do chúng vận hành.
Theo thông tin từ cơ quan công an và đơn từ khiếu nại của nhiều nhà đầu tư, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do chúng vận hành, dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền của họ.
Hồi cuối năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP.HCM) kiểm tra “Hội thảo ứng dụng công nghệ đổi mới với thương nhân năm 2023”, tổ chức trên địa bàn quận Phú Nhuận, đã phát hiện hàng chục sàn chứng khoán quốc tế và sàn giao dịch ngoại hối (Forex) "núp bóng" hội thảo công nghệ triển lãm để dụ người dân tham gia, dù các hoạt động đầu tư không hề được cấp phép.
Thế nhưng, vẫn có hàng trăm người từ TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... lặn lội lên tham gia sự kiện này.
Tại mỗi gian hàng của các sàn chứng khoán quốc tế hay Forex, ai đồng ý để lại thông tin gồm họ tên, số điện thoại và email... sẽ được sàn tặng quà gồm mũ bảo hiểm, ấm giữ nhiệt, mũ, áo thun, quạt cầm tay..., thậm chí tặng USD vào tài khoản.
Các “chuyên gia hội thảo” dụ khách tham quan, ai đăng ký và đầu tư vào tài khoản 200 USD, ngay lập tức sẽ nhận được 1 bộ quà tặng trị giá hơn 100 USD và sẽ nhận lại lợi nhuận từ 40% trên tổng số tiền đã bỏ ra để đầu tư.
Hàng chục người tham dự không ngần ngại để lại thông tin cá nhân, đăng ký nạp tiền để được quà và tin tưởng vào lợi nhuận sẽ đạt được…
Khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện đúng nội dung được cấp phép, nhưng đơn vị tổ chức không thực hiện, rồi lập tức xin dừng sự kiện.
Từ trường hợp bà H.Sương và hàng loạt kêu cứu khác, cùng sự kiện sàn chứng khoán núp bóng “hội thảo” trên cho thấy, rất nhiều người dân thiếu hiểu biết, lại hám lợi nên dễ bị dẫn dụ. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm lừa đảo khai thác.
(Còn tiếp)