Đầu tư
Mắc kẹt tại Dự án BOT cầu Thái Hà
Anh Minh - 10/10/2017 07:54
Cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án BOT cầu Thái Hà đều chưa muốn tiến hành thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, dù công trình được khánh thành gần một năm.
TIN LIÊN QUAN

Lỗ sâu

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chưa thu giá dịch vụ đường bộ Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT (Dự án cầu Thái Hà).

Đây có thể coi là động thái “lạ”, bởi công trình cầu lớn vượt sông Hồng được đầu tư theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 1.671 tỷ đồng này đã được thông xe, đưa vào khai thác cách đây khoảng 1 năm.

Trạm thu phí cầu Thái Hà chưa hoạt động vì thu không đủ chi.

Nói lạ là bởi về lý thuyết, việc đưa vào thu giá dịch vụ càng sớm, nhà đầu tư BOT càng có thêm cơ hội giảm bớt áp lực trả lãi vay và vốn gốc.

Cần phải nói thêm rằng, chỉ trong vòng từ tháng 1/2017 đến nay, nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà đã liên tục xin Bộ GTVT chưa tiến hành thu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ nhà đầu tư, do doanh thu thu phí không đạt so với phương án tài chính.

Ông Nguyễn Đức Ý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà cho biết, sau khi tiến hành thông xe kỹ thuật (tháng 11/2016), Công ty đã đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút nhân dân và doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, sau 1 năm thông xe, lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng). Với lượng như vậy, nếu nhà đầu tư tổ chức thu giá dịch vụ đường bộ thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (22 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm), gây phát sinh lỗ cho Dự án.

Theo Bộ GTVT, cầu Thái Hà có vai trò là liên kết giữa Dự án tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi là Dự án nối hai cao tốc địa phận Hà Nam) và Dự án đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi là Dự án nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam).

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thái Hà có tổng vốn đầu tư 1.671,765 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 245,95 tỷ đồng, tương đương 14,71%; vốn vay tín dụng: 1.425,815 tỷ đồng, tương đương 85,29%, Ngân hàng cho vay: ViettinBank; Thời gian thu giá dịch vụ đường bộ dự kiến là: 16 năm 7 tháng.

 

Với vị trí này, lẽ dĩ nhiên, lưu lượng xe của Dự án cầu Thái Hà phụ thuộc phần lớn vào tiến độ xây dựng 2 tuyến nối do Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/9/2017, Dự án nối hai cao tốc địa phận Hà Nam có chiều dài khoảng 15,5 km, tổng mức đầu tư 1.785 tỷ đồng mới hoàn thành được 6 km. Đáng lo ngại là, Dự án đang trong tình trạng chưa thể định chính xác thời gian hoàn thành do không có vốn.

Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thực hiện theo hình thức BT, có chiều dài khoảng 25,8 km, tổng mức đầu tư là 4.281 tỷ đồng hiện vẫn chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng, dù kế hoạch đề ra là  tháng 10/2016.

Nhà nước gánh nợ?

Theo thỏa thuận Hợp đồng số 11/BOT-BGTVT ngày 27/3/2015, khi Dự án cầu Thái Hà đưa vào khai thác, nhà đầu tư được phép thu giá dịch vụ đường bộ, doanh thu để chi trả các khoản chi đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư. Trong đó, đáng kể nhất là chi phí tổ chức thu theo phương án tài chính (chi phí này khoảng 21,78 triệu đồng/ngày đêm); chi phí bảo trì công trình.

Đặc biệt, lãi suất vay đối với phần vốn vay ngân hàng trong thời gian khai thác tạm tính là 9%, nếu nhà đầu tư chờ đến 31/12/2017 mới thu do phải chờ 2 tuyến kết nối, lãi vay khoảng 70,229 tỷ đồng; nếu chờ đến 31/3/2018, lãi vay là 94,413 tỷ đồng và chờ đến 30/6/2018, lãi vay sẽ tăng lên tới 119,426 tỷ đồng.

Không chỉ có nhà đầu tư bị mắc kẹt tại Dự án, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang phải xoay xở để xử lý tình huống phát sinh không mong muốn này.

Trước đó, để lường trước rủi ro khi các dự án kết nối không hoàn thành đồng bộ, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã thỏa thuận: “Trường hợp tuyến kết nối phía Thái Bình và Hà Nam hoàn thành không đồng bộ với Dự án, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ nhà đầu tư phần doanh thu bị ảnh hưởng theo phương án tài chính của Hợp đồng trong thời gian chưa thu phí nhưng không quá 24 tháng. Sau thời gian trên, các bên bàn bạc và thống nhất phương án dừng hợp đồng”.

Như vậy, do Dự án nối hai cao tốc trên địa phận tỉnh Hà Nam và Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa hoàn thành đồng bộ với Dự án cầu Thái Hà, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ nhà đầu tư phần doanh thu bị ảnh hưởng do chưa tổ chức thu giá dịch vụ đường bộ.

“Ngoài ra, nếu các dự án này không đưa vào khai thác trước tháng 11/2018 thì phải dừng hợp đồng và Bộ GTVT có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí nhà đầu tư đã thực hiện đối với Dự án cho đến thời điểm chấm dứt Hợp đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận.

Để giảm gánh nặng cho ngân sách, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ phương án xử lý, hỗ trợ nhà đầu tư theo hướng giá trị lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư, chi phí quản lý, bảo trì và các khoản chi hợp lý khác trong thời gian chờ được tính vào phương án tài chính. Thay vì trả bằng tiền mặt, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ bằng hình thức kéo dài thời gian thu giá dịch vụ đường bộ.

“Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là UBND tỉnh Hà Nam (đối với Dự án nối hai cao tốc địa phận Hà Nam) và UBND tỉnh Thái Bình (đối với Dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình địa phận tỉnh Thái Bình) cần sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả Dự án cầu Thái Hà”, ông Nhật cho biết.

Tin liên quan
Tin khác