Người mua thay đổi quyết định
Mới đây, trong báo cáo định hướng sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất 2 phương án tăng thuế VAT lên 12% để phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, phương án 1 sẽ là tăng mức thuế suất giá trị gia tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1/1/2019. Phương án 2 sẽ tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
Bộ Tài chính cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển, có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Trước thông tin này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có thị trường bất động sản.
Ngay sau thông tin này, ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản tại nhiều sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM cho thấy, lượng khách hàng đã rục rịch tăng. Nhân viên sàn giao dịch cho biết, nguyên nhân chính của việc người dân đi mua nhà vì sợ thuế tăng.
Tại sàn giao dịch dự án Him Lam Phú An (quận 9, TP.HCM), anh Hồ Thanh Tuấn, nhân viên mô giới bất động sản của Công ty Him Lam Land cho biết, kể từ ngày 18/8 tới nay, lượng khách hàng tới xem căn hộ và chọn mua nhà bắt đầu tăng, ngày thường chỉ khoảng 5 tới 7 khách, thì nay đã lên hơn 10 khách.
Chị Bùi Thanh Tuyết, ngụ tỉnh Bình Dương cho biết, chị có ý định mua nhà từ đầu năm, nhưng chưa đủ tiền mua nhà và nhu cầu nhà ở thời điểm này chưa cần thiết, nên chưa quyết định mua. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin Bộ Tài chính muốn tăng thuế VAT lên 12%, khiến giá nhà có thể tăng thêm, nên chị phải suy nghĩ lại.
“Với căn nhà 2 tỷ đồng, trước đây thuế VAT áp là 10%, tôi sẽ phải đóng 200 triệu đồng, nhưng khi tăng lên 12% tôi sẽ phải đóng 240 triệu đồng. Với số tiền 40 triệu đồng đó, tôi phải tiết kiệm mất 3 đến 4 tháng, nên tôi quyết định mua nhà thời điểm này để hưởng lợi trước tăng thuế.
Ngoài ra, tăng thuế, các vật liệu đầu vào cho dự án bất động sản cũng sẽ tăng theo, kéo theo giá nhà cũng tăng lên. Bên cạnh đó, khi thuế tăng, tâm lý chúng tôi sợ lãi suất vay ngân hàng sẽ tăng theo, khi đó sẽ còn khó khăn hơn để mua nhà”, chị Tuyết nói.
Tại sàn giao dịch dự án Lavita Charm (quận 9, TP.HCM) của Hưng Thịnh Land, sàn giao dịch này cũng ghi nhận lượng mua nhà tăng vì tâm lý chạy thế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà đầu tư thứ cấp cho biết, dù dự kiến tăng thuế là năm 2019, nhưng tâm lý khách hàng sẽ là mua nhà sớm để tránh thuế cao theo kiểu “tiết kiệm đồng nào hay đồng đó”.
“Đặc biệt ở Việt Nam, thị trường bất động sản hay chứng khoán luôn nhảy cảm với thông tin. Chỉ cần một thông tin ảnh hưởng tới kinh tế, thị trường, quy hoạch… thì ngay lập tức sẽ tạo ra một làn sóng mua bán. Đơn cử như thị trường bất động sản, chỉ cần một tin đồn sẽ xây dựng một cây cầu, hay tuyến đường, dự án lớn nào đó thì tức khắc thị trường bất động sản nơi đó sẽ nóng sốt, lượng giao dịch mua bán đất sẽ tăng lên. Thông tin thuế VAT tăng cũng đang ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, khiến người mua nhà đua nhau đi mua nhà tránh thuế”, ông Hùng nói.
Nắm bắt được tâm lý này, những nhà đầu tư như ông Hùng tiến hành “đi trước đón đầu”, mua căn hộ để đầu tư, đợi lượng khách hàng mua nhà tránh thuế tăng sẽ cao, sẽ bán ra kiếm lời.
Ngoài các dự án của Him Lam Land và Hưng Thịnh Land, nghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại càng sàn giao dịch dự án như Nam Long, Novaland, Vietcomreal, Hà Đô… cũng cho thấy, lượng giao dịch có sự biến chuyển. Tuy nhiên, thông tin từ giới môi giới tại sàn giao dịch cho biết, hiện đa phần khách hàng tới để tham khảo giá, chính sách và nghiên cứu về thuế khi mua nhà, chính sách bán hàng.
Thuế tăng, người mua nhà chịu thiệt
Các chuyên gia trong ngành bất động sản nhận định, việc tăng thuế VAT lên 12% sẽ tác động không tốt tới thị trường, bởi thuế tăng, đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào của dự án tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm tăng và người phải chịu cuối cùng là người mua nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khi giao dịch bất động sản, người mua phải chịu thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng nhiều khoản thuế, phí khác.
“Chưa kể, Bộ Tài chính cũng mới đưa ra đề xuất đánh thuế đối với căn nhà thứ 2, với hai đề xuất tăng thuế cùng một lúc này, sẽ gây sức ép lớn lên người mua nhà. Giao dịch bất động sản sẽ chịu tác động tiêu cực”, ông Châu nói.
“Giá nhà có chiều hướng tăng từ đầu năm 2017 tới nay, nếu áp dụng mức thuế mới, đồng nghĩa với việc giá nhà sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường địa ốc”, vị này nói.
Các sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM thu hút nhiều khách hàng quan tâm hơn hẳn trong tuần qua, dù đang là tháng Ngâu |
Ngoài ra, nếu thuế VAT tăng cũng sẽ tác động tới thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án. Chẳng hạn, hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 500 dự án “đắp chiếu” chờ M&A, nếu thuế VAT tăng, sẽ kéo theo giá của thương vụ sẽ có lên. Đơn cử, lô đất có giá trị chuyển nhượng 1.000 tỷ đồng, thì thuế VAT phải cõng thêm là 20 tỷ đồng. Với số tiền này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn bởi lượng tiền mặt doanh nghiệp không nhiều, nên các doanh nghiệp sẽ cân nhắc những thương vụ M&A.
Ngoài ra, nếu M&A rồi, việc phát triển dự án tất nhiên doanh nghiệp sẽ cộng vào phần chi phí xây dựng dự án, để rồi số tiền này người mua nhà ở thực sẽ chịu thiệt. Ngoài ra, thuế VAT tăng, thì phí dịch vụ chung cư cũng sẽ tăng theo và người dân phải gánh chịu.
Ông Châu cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ việc tăng thuế lúc này, dù Bộ Tài chính cho rằng phù hợp với quốc tế, nhưng phải xét lại việc các nước trên thế giới không giống ở Việt Nam. Tình hình kinh tế, đồng tiền các nước đều cao hơn Việt Nam, trong khi đời sống trong nước đang chịu ảnh hưởng rất lớn, kinh tế đang trong giai đoạn chưa ổn định. Đặc biệt, là thị trường bất động sản hiện đang tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Chính vì vậy, nên giữ nguyên thuế VAT là 10% từ nay đến năm 2021.