NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.
Theo dự thảo, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ được giảm về mức 45% vào năm 2018 và 40% vào năm 2019, thay vì đưa về 40% vào năm 2018 như quy định hiện hành của Thông tư 36.
Hai năm gần đây, nhiều ngân hàng có tỷ lệ sử dụng vốn dài hạn cho vay trung dài hạn cao, khoảng 55% trong khi huy động vốn trung dài hạn chỉ 13% (gần 90% vốn huy động là ngắn hạn), gây ra nguy cơ mất cân đối kỳ hạn. Chính vì vậy, Thông tư 36 đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng.
Tuy vậy, việc giảm quá nhanh sẽ gây khó khăn, áp lực cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ vừa chỉ đạo các ngân hàng mở rộng hạn mức cho vay trung, dài hạn. NHNN cho biết, việc giãn lộ trình trên được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Việc giãn lộ trình siết việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giúp các ngân hàng dễ thở hơn với việc cho vay các lĩnh vực có kỳ hạn dài, phần lớn nằm trong lĩnh vực giao thông, bất động sản. Ước tính, hơn nửa triệu tỷ động tín dụng đã được bơm vào lĩnh vực này.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh tín dụng chịu nhiều áp lực tăng trưởng như hiện nay, cộng với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, việc giãn thời hạn siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là cần thiết, giúp ngân hàng giảm bớt áp lực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo cũng cảnh báo, cho vay giao thông, bất động sản đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cho dù NHNN tạm hoãn siết vốn chảy vào lĩnh vực này song vẫn phải giám sát rất chặt chẽ, đặc biệt là rót vốn cho các dự án BOT giao thông.