Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá mỗi ngày 1-2 bao trong nhiều năm. Hai tuần trước, bệnh nhân đang đi bộ thì chóng mặt, mất thăng bằng, phải nằm một chỗ.
Ảnh minh họa. |
Tưởng bị rối loạn tiền đình, ông mua thuốc uống không đỡ. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị thoái hóa Myelin, cho thuốc uống. Sau 1 ngày ông xuất hiện thêm đau đầu, tê bì tay chân, được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám.
Thầy thuốc ưu tú, PGS-TS.Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, chụp cộng hưởng từ cho thấy người bệnh bị hẹp và xơ vữa nhiều đoạn mạch máu trọng yếu của não.
Nguy hiểm nhất là hẹp khít 90% đoạn động mạch thân nền kèm theo có thiểu sản động mạch đốt sống phải, là động mạch cung cấp nguồn máu chính cho thân não.
Ngoài ra còn có xơ vữa, vôi hóa rải rác khắp các đoạn động mạch cảnh trong hai bên, động mạch đốt sống và hệ mạch vành. Bệnh nhân có khả năng đột quỵ và nguy hiểm đến tính mạng bất kỳ lúc nào.
PGS.Hiền cho biết bệnh nhân cần được nong và đặt stent ngay để tái thông phần động mạch thân nền, ngăn nguy cơ đột quỵ.
Thành mạch máu của người bệnh đoạn hẹp động mạch thân nền đã yếu, xơ vữa nặng, quá trình nong có thể làm nứt, tách mạch gây nhồi máu não, có thể tử vong ngay trong lúc can thiệp. Nhưng đây là phương án điều trị duy nhất, chúng tôi quyết định mạo hiểm để cứu người bệnh.
Ekip định vị tổn thương trên phim chụp mạch số hóa xóa nền và chụp mạch 3D để xác định chính xác vị trí và kích thước đoạn hẹp. Sau đó bác sĩ tiến hành nong nhiều lần, từng chút một để tránh tổn thương tối đa lên mạch máu.
Sau 30 phút, bác sĩ nong mạch an toàn, đặt stent thành công vào phần mạch bị hẹp khít. Kiểm tra lại bằng máy chụp mạch máu cho thấy máu lưu thông tốt, không có tai biến hay tắc các nhánh lành.
Sau can thiệp, ông Ninh được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập phục hồi vận động. Bác sĩ kê thêm thuốc chống đông máu, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu để kiểm soát tình trạng xơ vữa của các động mạch bị hẹp còn lại. Bệnh nhân sức khỏe cải thiện tốt, tỉnh táo, nói chuyện bình thường, tay chân cử động tốt, xuất viện sau 2 ngày.
Động mạch thân nền cấp máu cho thân não, nơi có hai trung tâm điều phối chỉ huy tuần hoàn và hô hấp. Ngoài ra còn có các dây thần kinh sọ quan trọng điều khiển chức năng nói, nuốt, thăng bằng…
Hẹp động mạch thân nền xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ lâu ngày khiến thành mạch máu dày cứng, thu hẹp lại. Ai cũng có thể mắc bệnh, nguy cơ cao hơn xảy ra ở người có bệnh rối loạn chuyển hóa như: tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá…
PGS.Hiền cho biết hẹp động mạch thân nền nặng sẽ dẫn đến đột quỵ với tỷ lệ tử vong đến 95% nếu không được tái thông kịp thời. Đây là là thể đột quỵ nặng nề nhất với nguy cơ tử vong và tàn phế cao nhất trong đột quỵ não. Nếu may mắn qua khỏi, người bệnh vẫn có nguy cơ tàn phế và đời sống thực vật kéo dài.
Triệu chứng hẹp động mạch thân nền thường khá mơ hồ, gồm hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu, buồn nôn…
Nhiều người nhầm lẫn với triệu chứng của rối loạn tiền đình, dễ bỏ qua hoặc phát hiện muộn. Trong trường hợp đột quỵ do tắc hoàn toàn động mạch thân nền, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đột ngột ngã, yếu liệt tứ chi, hôn mê, ngừng tim ngừng thở và thường dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
PGS Hiền cho biết lối sống sinh hoạt không lành mạnh có thể tăng nguy cơ hình thành xơ vữa mạch máu, gây hẹp tắc mạch dẫn đến đột quỵ như thức khuya, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán…
Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc khói thuốc lá thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tích tụ mảng bám trong lòng mạch máu.
PGS Hiền khuyến cáo mọi người nên có chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ lành mạnh, bỏ hút thuốc và hạn chế tối đa tiếp xúc khói thuốc lá.
Người có bệnh nền tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị và đều đặn thăm khám định kỳ.
Khi xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt thường xuyên, nôn ói, khó nói, khó nuốt, tê bì chân tay…, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay, không nên chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu của hẹp động mạch não, thậm chí đột quỵ. Càng phát hiện sớm, khả năng điều trị khỏi cũng như người bệnh được cứu sống và hạn chế di chứng càng cao.