Dự án mạng xã hội Lotus đã huy động được 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. |
Nội dung là vua
Ngay cái tên Lotus (mà không phải là VivaVietnam như đồn đoán ban đầu) đã phần nào nói lên mong muốn của nhà phát triển, đó là đưa Lotus trở thành một sản phẩm dành cho tất cả người Việt, hữu ích với bất cứ ai, đến từ bất cứ đâu. “Tên chính thức Lotus được chọn ngay từ đầu sau khi mở cuộc thi cách đây 6 tháng. Lotus là cái tên tương đối thân thiện với người Việt”, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp chia sẻ.
Theo ông Tân, VCCorp xác định Lotus là mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng. “Hơn 50% số vốn của Lotus được đầu tư cho marketing và nội dung. Trong giai đoạn đầu chưa có nhiều người dùng, Lotus tập trung phát triển các đối tác làm nội dung là các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp. Với Lotus, Content is King (Nội dung là vua)”, ông Tân nói.
Được biết, nội dung của mạng xã hội Lotus bao gồm nội dung của những người dùng thông thường, blogger đưa lên; nội dung từ các cơ quan báo chí chính thống; nội dung từ các công ty, các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp. VCCorp tạo điều kiện cho các nhà sản xuất nội dung chuyên nghiệp đưa thông tin lên Lotus và khai thác lợi ích từ đây: có traffic, có fans, có tiền…
“Chúng tôi đang làm việc với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung khác nhau như sản xuất video, sản xuất nội dung giải trí, các ngôi sao, các tờ báo, đài truyền hình để đảm bảo nội dung cho người dùng. Khi bản Beta ra mắt vào ngày 16/9, người dùng đã có một khối lượng thông tin nhất định trên Lotus để trải nghiệm”, ông Tân cho biết.
Chơi mạng, nhận token
Một trong những điểm khác biệt của Lotus là token. Đây là đơn vị đánh giá mới dành cho mỗi react từ các bài đăng, tương đương uy tín và độ "xịn" gán cho mỗi người. Token có thể được cho và nhận tuỳ ý chủ quan của mỗi người, đồng nghĩa với việc nội dung càng chất lượng và đáng tin cậy, sẽ có cơ hội nhận được càng nhiều token từ người khác.
“Token là một hình thức tích điểm, áp dụng cho cả người đăng tải nội dung và người xem. Hoạt động giá trị càng cao thì điểm càng nhiều. Sẽ có nhiều cách khác nhau để sử dụng token, trong đó có việc chi trả token để đẩy nội dung tiếp cận nhiều người dùng hơn”, ông Tân cho biết.
Đặc biệt, token được tiết lộ sẽ là chìa khoá để giúp bất kỳ ai trên Lotus làm giàu, mang lại giá trị kinh tế đích thực cho chính bản thân dựa vào nội dung. Tính năng token và giá trị "làm kinh tế" của Lotus ngay lập tức trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội suốt mấy ngày nay.
Về mục tiêu người dùng của Lotus, ông Tân cho biết, sẽ có 3 mốc chính, đầu tiên là 4 triệu người, khi đó, mạng xã hội chắc chắn sẽ phát sinh những nhu cầu mới, sẽ có những hạn chế, nhược điểm và VCCorp phải phá bỏ chúng. Mốc tiếp theo là 20 triệu người. Và mốc thứ 3 là 60-70 triệu người dùng.
Theo ông Tân, Dự án mạng xã hội Lotus đã huy động được 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. VCCorp đang tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỷ đồng trong giai đoạn đầu để sẵn sàng nguồn lực cho việc phát triển lâu dài. Khoản tài chính 1.200 tỷ đồng dự kiến đủ để Lotus phát triển trong 2 năm mà không cần huy động thêm.