Manulife công bố Chỉ số lạc quan nhà đầu tư châu Á
Như Loan - 25/03/2015 14:10
Báo cáo mới nhất về chỉ số lạc quan của nhà đầu tư do Manulife thực hiện cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ giúp chỉ số lạc quan ở Nhật Bản, Trung Quốc tăng trong khi Indonesia và Malaysia lại có sự sụt giảm mạnh nhất. Gần 50% nhà đầu tư châu Á hài lòng với lợi nhuận đầu tư đạt được trong năm 2014 và nhiều người cho rằng đó chỉ là nhờ may mắn.
TIN LIÊN QUAN

Chỉ số lạc quan chịu ảnh hưởng từchính sách của các Ngân hàng Nhà nước và giá dầu thế giới

Gần 50% nhà đầu tư châu Á hài lòng với lợi nhuận đầu tư đạt được trong năm 2014

Theo Kết quả Báo cáo Chỉ số lạc quan Nhà đầu tư của Manulife thì những xáo trộn kinh tế vĩ mô từ chính sách kích thích và nới lỏng tiền tệ tại Trung Quốc Đại lục và Nhật Bản đến sự sụt giảm giá dầu đã tác động mạnh mẽ đến Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân châu Á trong Quý 4/2014.

Nhìn chung, chỉ số lạc quan nhà đầu tư của cả khu vực châu Á đã giảm 2 điểm xuống còn 26, chủ yếu là do chỉ số sụt giảm tại các thị trường Indonesia với mức giảm 14 điểm xuống còn 50, Malaysia giảm 8 điểm còn 47, và Hồng Kông giảm 5 điểm còn -10.

Bà Megan Greene – Kinh tế gia Trưởng của Tập đoàn Quản lý Quỹ Manulife cho biết: “Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân dễ dàng bị tác động bởi các yếu tố gây tổn hại đến túi tiền của họ cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến viễn cảnh việc làm và kinh tế. Các nhà đầu tư ở Indonesia bị choáng váng bởi những áp lực gia tăng từ việc gỡ bỏ trợ cấp giá nhiên liệu và áp lực lạm phát đi kèm. Malaysia, nước xuất khẩu ròng dầu cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Chúng tôi dự đoán giá dầu sẽ giảm xuống dưới 40 USD/thùng và sẽ giữ ở mức thấp này trong 6 tháng. Tình trạng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Malaysia”.

Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư Hồng Kông thậm chí còn giảm sâu hơn do sự nhìn nhận bi quan đối với thị trường bất động sản, tiếp tục với mức giảm 9 điểm xuống còn -36. Nguyên nhân là do giá bất động sản cao và nhận định lãi suất sẽ tăng do chính sách neo tỉ giá vào đồng Đô la Mỹ gây nên. Một yếu tố khác, dù không ảnh hưởng quá lớn là phong trào Occupy Central, đã có 2/5 nhà đầu tư Hồng Kông cho biết họ đã bị ảnh hưởng trong các quyết định đầu tư của mình.

Chỉ số của cả khu vực được bù đắp phần nào nhờ vào chỉ số tăng cao tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tại đây lạc quan với chỉ số tăng 14 điểm lên 29. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư tự tin vào thị trường cổ phiếu với chỉ số lạc quan tăng 29 điểm lên 58, phản ánh lòng tin của nhà đầu tư đến từ mặt bằng lãi suất giảm, môi trường cho vay lành mạnh và sự tự do hóa sâu hơn của thị trường vốn.

Nhật Bản cũng là thị trường có chỉ số lạc quan tăng với 4 điểm lên 12, nguyên nhân là do chính sách kích thích tiêu dùng của Chính phủ và việc Thủ tướng Abe thắng cử vào tháng 12 cùng với kế hoạch cải tổ cơ cấu trong nhiệm kỳ của ông.

Bà Greene cho biết thêm: “Nguồn cung dư thừa của dầu mỏ cũng như thanh khoản tiền tệ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư và thị trường vào cuối năm 2014. Trong năm 2015, các sự kiện kinh tế vĩ mô lớn sẽ tiếp tục tác động mạnh đến các thị trường khu vực. Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ mục tiêu nhưng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 7% trong năm 2015. Nhật Bản cũng sẽ tăng trưởng rất chậm. Đồng Yên yếu hơn đã không thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vì các yếu tố cạnh tranh, do đó viễn cảnh kinh tế Nhật Bản thật sự phải dựa nhiều vào cuộc cải tổ cơ cấu sâu sắc”.

Các nhà đầu tư Châu Á với vận may về lợi nhuận đầu tư

Cũng theo phân tích kết quả của cuộc khảo sát do Manulife thực hiện gần đây, vận may đã được công nhận như một công thức đem lại lợi nhuận cho hơn một phần tư các nhà đầu tư châu Á, những người hài lòng về lợi nhuận đầu tư đạt được năm vừa qua. Con số này cho thấy những cảm nhận mang tính bản năng đã đem lại kết quả cho các nhà đầu tư, nhưng đồng thời lại dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư sử dụng chiến lược đầu tư có rủi ro cao.

Gần một nửa (49%) các nhà đầu tư châu Á hài lòng với kết quả đầu tư năm 2014. Nhà đầu tư Indonesia và Philippines là những người hài lòng nhất, lần lượt ở mức 81% và 76%; trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản lại ít hài lòng nhất (31%)…Tuy nhiên, một tỷ lệ phần trăm cao đáng ngạc nhiên của các nhà đầu tư dựa vào vận may khi tiếp cận các khoản đầu tư có khả năng sẽ khiến họ phải chịu mức độ rủi ro cao hơn nhiều so với bình thường. Các nhà đầu tư ở các nước Châu Á khác cũng dựa vào sự may mắn, mặc dù ở mức độ thấp hơn.

Ông Michael Dommermuth, người vừa được bổ nhiệm làm Trưởng Khối Quản lý tài sản khu vực châu Á, của Tập đoàn Quản lý quỹ Manulife cho biết: "Dựa vào vận may thông thường là một chiến lược đầu tư có rủi ro cao. Sau nhiều năm tương đối ổn định tại nhiều thị trường trên toàn cầu, sự không ổn định về lãi suất, những căng thẳng địa chính trị, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và khả năng tiếp tục suy thoái của khu vực euro hiện nay cho thấy sự bất ổn có thể tiếp tục trở lại trong năm 2015. Vận may thường không đủ để bảo vệ các nhà đầu tư trước các rủi ro của thị trường gây ra bởi các yếu tố trên".

Một cuộc khảo sát trước đó của Manulife cho thấy khoảng 3/4 nhà đầu tư ở Philippines và Indonesia, và 2/3 nhà đầu tư ở Nhật Bản có khả năng chịu đựng rủi ro thấp – được xác định bằng biến động về lợi nhuận đầu tư thấp hơn 10%. Tuy nhiên, trong số những nhà đầu tư hài lòng với lợi nhuận đạt được, có 54% nhà đầu tư ở Indonesia dựa hoàn toàn vào vận may trong khi con số này ở Philippines là 42% và Nhật Bản là 38%.

Tin liên quan
Tin khác