Sức khỏe doanh nghiệp
Masan MEATLife có tân Tổng giám đốc, đăng ký mua hơn 20 triệu cổ phiếu Vissan
Hồng Phúc - 29/11/2021 17:16
Công ty cổ phần Masan MEATLife (UPCoM: MML) vừa thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng giám đốc với ông Phạm Trung Lâm và công bố thông tin về việc đăng ký mua gần 20,2 triệu cổ phần Vissan.

Masan MEATLife đã thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng giám đốc với ông Phạm Trung Lâm và bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Trung thay thế.

Ông Phạm Trung Lâm sinh năm 1973, từng làm việc tại Unilever Việt Nam, Nestlé Việt Nam trước khi đầu quân vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) từ năm 2005. 

Vị này có 6 năm làm việc tại Masan Consumer rồi đầu quân vào Công ty Vietbev với vai trò Tổng giám đốc trong 3 năm. 

Sau đó, ông Lâm tham gia vào Masan MEATLife từ năm 2014 trong vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc bên cạnh hàng loạt chức vụ tại các công ty con khác của Masan Group.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1970, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Solvay Brussels School, đại học Libre de Bruxelles (ULB), Bỉ.

Vị này được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh ngành thịt của Masan MEATLife từ tháng 11/2020.

Ông Nguyễn Quốc Trung (bên phải) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Masan MEATLife (Ảnh tư liệu: 3F Việt).

Ngoài thông tin bổ nhiệm tân Tổng giám đốc, Masan MEATLife cũng vừa công bố thông tin về việc mua gần 20,2 triệu cổ phiếu VSN của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan, UPCoM: VSN), theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh với thời gian từ ngày 2/12 đến 31/12/2021.

Ở chiều ngược lại, công ty con của Masan MEATLife là Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) đăng ký bán sạch cổ phiếu VSN, tương đương 24,94% vốn điều lệ (xấp xỉ 20,2 triệu cổ phiếu).  

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu thuần 15.152 tỷ đồng và lãi ròng 378,6 tỷ đồng; lần lượt tăng 3.740 tỷ đồng và 85,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp này âm 216,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 380 tỷ đồng. Lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư âm 145,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm hơn 1.780 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đã trả nợ gốc vay là 11.136 tỷ đồng, đồng thời vay thêm hơn 10.690 tỷ đồng.

Masan MEATLife đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần thịt heo trong thị trường có giá trị 10 tỷ USD. (Ảnh: MML).

Được thành lập vào năm 2011, từ một công ty thuần sản xuất thức ăn chăn nuôi, Masan MEATLife hiện là một công ty sản xuất thịt và thịt chế biến cùng mục tiêu chiếm 10% thị phần thịt heo trong thị trường có giá trị 10 tỷ USD.

Ban lãnh đạo công ty này đánh giá, thịt là thị trường giàu tiềm năng tại Việt Nam khi chỉ riêng thịt tươi đã có giá trị khoảng 10 tỷ USD. 

Tuy nhiên, thị trường này chưa được chuẩn hóa, còn rời rạc và có nhiều sản phẩm chưa an toàn cho sức khỏe. 

Đây là cơ hội cho các công ty có năng lực thiết lập tiêu chuẩn mới trong tiêu dùng thịt chất lượng cao, an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam. 

Tham vọng của Masan MEATLife không chỉ dừng lại ở mảng thịt tươi mà còn kỳ vọng vào việc hợp nhất chuỗi 3F và tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến. 

Bởi hiện nay, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam. 

Công ty này đánh giá, các sản phẩm đột phá sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi có hơn 70% dân số sinh sống. 

Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc, khi mà các nhà sản xuất có thể cung cấp các sản phẩm thịt chế biến có giá trị gia tăng, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng với mức giá thấp hơn nhiều so với thịt tươi. 

Theo thống kê của Frost & Sullivan, thịt chế biến chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc và đang tăng nhanh gấp đôi so với thịt tươi. Masan MEATLife cho rằng xu hướng này sẽ diễn ra tương tự ở Việt Nam. 

Tin liên quan
Tin khác