Thứ nhất, tổng sản lượng điện sản xuất đã tăng mạnh. Sản lượng điện sản xuất năm 2012 cao gấp 4,3 lần so với năm 2000, tăng 12,9%/năm, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP (giá so sánh) trong cùng thời gian (tương ứng gấp 2,2 lần và tăng 6,62%/năm).
Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2013 (đạt 92,2 tỷ kWh, tăng trên 7,8%) là tín hiệu khả quan để sản lượng điện cả năm 2013 có thể vượt qua mốc 123 tỷ kWh để đạt kỷ lục mới.
| ||
Đó là một cố gắng lớn theo chủ trương điện phải đi trước một bước, điện là động lực của tăng trưởng kinh tế và đời sống, là tiền đề để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thứ hai, cơ cấu nguồn điện đã có sự chuyển dịch so với nhiều năm trước.
Trong tổng sản lượng điện năm 2012, điện chạy khí chiếm 39,4%, thủy điện chiếm 38,8%, điện chạy than chiếm 21,4%, điện chạy dầu chiếm 0,4%.
Thứ ba, do sản lượng điện tăng với tốc độ cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số trong cùng thời gian (tương ứng tăng 12,9%/năm so với tăng 1,12%/năm), nên sản lượng điện bình quân tính theo đầu người cũng liên tục tăng với tốc độ cao.
Nếu năm 2000, sản lượng điện mới đạt 343,9 kWh/người, thì năm 2005 đạt 632,1 kWh/người, năm 2010 đạt 1.054,8 kWh/người, năm 2012 là 1.293,2 kWh/người.
Như vậy, sản lượng điện bình quân đầu người năm 2012 đã cao gấp gần 3,8 lần so với năm 2000, tăng bình quân 11,7%/năm. Đó là tốc độ tăng khá cao.
Thứ tư, đã có nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia sản xuất điện. Việc quản lý và truyền tải điện ở nông thôn đã được kiện toàn, vừa để an toàn, vừa bảo đảm sự bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực như trên, cũng còn không ít vấn đề đặt ra cần giải quyết trong thời gian tới.
Trước hết, về nguồn điện, tuy đã có sự cải thiện so với trước, nhưng nguồn điện “sạch” mà Việt Nam sẵn có là điện gió, điện nhiệt mặt trời còn phát triển chậm, với sản lượng chưa đáng kể. Trong khi đó, nguồn than không còn nhiều, việc khai thác ngày một khó và đang có nguy cơ phải nhập khẩu than trong tương lai gần.
Thủy điện tuy chiếm tỷ trọng khá, có giá rẻ, nhưng cũng có những hiệu ứng phụ với nhiều bàn cãi về an toàn môi trường, sản xuất nông, lâm nghiệp… Do vậy, cần hết sức cẩn trọng với việc lựa chọn địa điểm xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình, quản lý các công trình trong các mùa hạn/lũ… trong phát triển thủy điện.
Sản lượng điện tuy tăng với tốc độ cao, nhưng có một phần do từ điểm xuất phát thấp, có một phần điện còn phải nhập khẩu và do tăng trưởng kinh tế, đời sống bị co lại, nên chưa thể an tâm, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, đời sống.
Lượng điện nhập khẩu hàng năm vẫn còn lớn; tình trạng cắt, mất điện vẫn còn xảy ra hoặc luân phiên, hoặc do quá tải trong giờ cao điểm. Thời gian tới, khi sản xuất kinh doanh hồi phục tăng trưởng, khi thu nhập của dân cư tăng, thì tình trạng thiếu điện sẽ lặp lại.
Để đối phó với tình trạng đó, cần tăng sản lượng điện với tốc độ cao hơn, trên cơ sở cơ cấu lại nguồn điện năng; đồng thời sử dụng tiết kiệm điện, trên cơ sở nâng cao hiệu suất sử dụng trong sản xuất, giảm tổn thất điện và sử dụng điện tiết kiệm.
Minh Nhung