Doanh nghiệp
May 10 đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng năm 2024
Hải Yến - 03/01/2024 11:59
Năm 2024, dự báo thị trường hàng dệt may toàn cầu vẫn khó, cầu chưa phục hồi, Tổng công ty May 10-Công ty CP đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng...
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 4.500 tỷ đồng.

Năm 2023 với bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ, Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần đã tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mang về tổng doanh thu 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch.

Nhưng so với năm 2022, doanh thu của năm 2023 chỉ đạt 90,92%, lợi nhuận đạt 81,86%.

Năm qua, doanh nghiệp đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động ở mức 9,25 triệu đồng/người/tháng, giảm 0,54% so với kế hoạch năm và cùng kỳ 2022.

Thông tin vừa được lãnh đạo May 10 chia sẻ tại lễ phát động thi đua năm 2024.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tâp đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), năm 2023 có thể nói là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm 10% toàn ngành, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40,3 tỷ USD. Con số này thấp hơn gần 10% so với năm 2022, nhưng xét trong bối cảnh chung của thương mại toàn cầu. kết quả xuất khẩu trong năm nay đã là một cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

"Nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì  2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,...", Báo cáo của Vitas nêu.

Năm 2024, thị trường hàng dệt may toàn cầu được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt các quốc gia nhập khẩu lớn của ngành dệt may như: EU, Mỹ… sẽ áp dụng các cơ chế nghiêm ngặt như: cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức....

Cùng với đó, kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao..., sẽ kéo theo đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao…

May 10 đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 4.500  tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm 2023; Thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,7% so với năm 2023.

Để chinh phục mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024, theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động, thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng.

Đầu tư nguồn lực cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp,  thời gian giao hàng nhanh...

"Mục tiêu là tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm giữ chân lao động", ông Việt nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác