Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang - CTCP (Dugarco) chia sẻ quá trình đáp ứng yêu cầu của các đối tác về việc sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, thân thiện môi trường và những thách thức cho ngành dệt may tại Diễn đàn xuất khẩu 2023 “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” được tổ chức tại TP.HCM ngày 13/9.
Hiện nay, một trong những khu vực đi đầu trong phát triển xanh và bền vững là Mỹ, EU. Trong đó “Thỏa thuận xanh châu Âu” – là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung hòa carbon vào năm 2050. Bên cạnh đó, EU cũng mới đề xuất Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cơ chế này sẽ đặt giá carbon đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo rằng việc giảm phát thải của châu Âu góp phần giảm phát thải trên toàn cầu.
Vì vậy, để vừa đáp ứng với xu thế phát triển chung của thế giới vừa thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, Dugarco đã xây dựng lộ trình chuyển đổi về thiết kế theo xu thế thời đại, xu thế sản xuất xanh, tìm kiếm và thành lập chuỗi cung ứng mới.
Dugarco đã xây dựng lộ trình chuyển đổi theo xu thế sản xuất xanh nhằm tìm kiếm và thành lập chuỗi cung ứng mới. |
Cụ thể, Đức Giang hiện đã và đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%, hạn chế tối đa sử dụng tài liệu bằng giấy trong các cuộc họp, không sử dụng chai và bao bì nhựa… Đây cũng chính là một phần trong nỗ lực giảm thiểu carbon của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đa số các nhà máy trong hệ thống Dugarco được lắp đặt các thiết bị pin mặt trời áp mái giúp chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất. Doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi các lò hơi đốt than sang các nồi hơi sử dụng điện. Điều này giúp Dugarco tiết kiệm chi phí và hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang chia sẻ: “Dugarco đang tập trung tìm kiếm và ưu tiên sử dụng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững, ví dụ như sử dụng các vải có nguồn gốc tự nhiên, tự hoại hoặc tái chế.”
Tại thị trường nội địa, Đức Giang áp dụng các chương trình thu hồi quần áo đã qua sử dụng nhằm khuyến khích khách hàng trả lại quần áo cũ để tái chế, nhờ đó giảm lãng phí. Điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải, mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên các loại vải từ nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường thường có nguồn gốc tự nhiên, nên cần công nghệ xử lý tiên tiến để đảm bảo giữ được các tính năng vốn có của sợi. Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng năng lượng tái tạo, quản lý xử lý nước thải sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên không nhỏ.
Do đó, theo ông Dũng, mục tiêu xanh hóa sản xuất này vẫn còn đầy thách thức đối với nhiều doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam vì nguồn tài chính còn hạn chế. Để thực sự trở thành chuỗi cung ứng sản xuất xanh, việc nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh ở Việt Nam cần có sự đầu tư và nhân rộng nhiều hơn nữa trong tương lai.