Sức khỏe doanh nghiệp
MB chia sạch cổ phiếu quỹ: Giải pháp khi “của để dành” sắp bay hơi?
Thanh Thủy - 16/06/2020 08:24
Luật chứng khoán mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 yêu cầu các doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày.

“Lướt sóng” cổ phiếu của chính mình: MB không lãi như kỳ vọng

Một trong các tờ trình của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa gửi đến cổ đông là phương án chia toàn bộ 25,6 triệu cổ phiếu quỹ mà nhà băng này đang sở hữu. Tờ trình này gây bất ngờ cho giới đầu tư, một phần bởi việc dùng cổ phiếu quỹ để chia thưởng không phổ biến trên thị trường, ngoài ra còn do trái với kỳ vọng bán ra chốt lời từng được đồn đoán và đã được ngân hàng hoàn tất một phần.

MB đã chi 1.037 tỷ đồng để mua lại hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ trong quý I/2019 (giá mua bình quân khoảng 22.000 đồng/cp). Hồi tháng 3/2020, cùng với đợt chào bán cổ phần phát hành mới, gần 21,44 triệu cổ phiếu quỹ đã được bán ra với 26.730 đồng/cp, tương đương với mỗi 100 đồng bỏ ra mua cổ phiếu quỹ trước đây ngân hàng thu hồi được 121,3 đồng. Tổng số tiền thu về là 573 tỷ đồng.

Toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ còn lại trị giá 564 tỷ đồng. Với việc phân phối lại 25,6 triệu cổ phiếu quỹ cho các cổ đông, vốn điều lệ của MB tăng thêm nhưng thặng dư vốn âm tới 308 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong khi phải bỏ ra 1.037 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, công ty nhận lại về 564 tỷ đồng và tăng vốn thêm 256 tỷ đồng. Bản thân MB không có lời nếu tính riêng thương vụ “trading” cổ phiếu này. Tuy nhiên, nếu tính cả phần thặng dư vốn thu được từ việc phát hành mới 64,31 triệu cổ phần, vốn chủ sở hữu của MB vẫn tăng đáng kể.

MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.032 tỷ đồng giảm 10% so với năm 2019. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 11-15%. 
Tổng tài sản tăng 8%, trong đó tín dụng tăng 12% theo giới hạn của ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn tăng 18%. Nợ xấu tối đa 1,9%. Vốn điều lệ được đặt mục tiêu tăng 18% lên 27.988 tỷ đồng. 

Về phần cổ đông MB, các nhà đầu tư sẽ được chia đều số cổ phiếu quỹ. Nhưng phần được nhận thêm này có thể khiến giá cổ phiếu giảm “kỹ thuật” trên bảng điện. Do giá cổ phiếu không điều chỉnh, người nắm giữ cổ phiếu sẽ có xu hướng chốt lời, đẩy tăng nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Như trường hợp của cổ phiếu VCS, Vicostone cũng từng dùng cổ phiếu quỹ để chia thưởng cho các cổ đông. Dù Sở giao dịch chứng khoán không điều chỉnh giá, cung cầu trên thị trường cũng kéo cổ phiếu này giảm sàn hai phiên trong vòng một tuần kể từ ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng.

Sau giao dịch cổ phiếu quỹ, nhà đầu tư nước ngoài dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu tại MB từ 22,99% lên 23,24%. Nhóm 4 cổ đông lớn của ngân hàng gồm Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân cảng Sài gòn và SCIC sẽ sở hữu 38,29% vốn trong tổng quy mô 27.987 tỷ đồng nhà băng này.  

Khi cổ phiếu quỹ sắp không còn là của để dành

Khá nhiều doanh nghiệp từng lãi lớn nhờ các thương vụ mua và bán lại cổ phiếu của chính công ty mình như Techcombank hay Petrolimex. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ đầu năm 2021), cổ phiếu quỹ sẽ không còn là “của để dành” của doanh nghiệp.

Động thái chia cổ phiếu quỹ cho các cổ đông ngoài tăng thêm lợi ích cho cổ đông, còn có thể là bước đi đón đầu của nhà băng này trước quy định mới trên.

Điều 36 về việc mua lại cổ phiếu quỹ của công ty đại chúng yêu cầu các doanh nghiệp phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán.

Theo Luật chứng khoán mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc mua lại cổ phiếu của công ty đại chúng. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ có thêm văn bản dưới luật hướng dẫn về quy định này cũng như cách giải quyết đối với các trường hợp đã mua cổ phiếu quỹ ở giai đoạn trước.

Thời gian gần đây, nhất là giai đoạn dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh tay chi tiền mua cổ phiếu quỹ. Các doanh nghiệp niêm yết như Vinhomes, Vincom Retail hay một số ngân hàng thậm chí đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng.

Thực tế, việc giảm vốn điều lệ cũng chỉ mới được đưa vào từ Luật doanh nghiệp năm 2014 và trên thực tế cũng rất hạn chế áp dụng. Giảm vốn điều lệ sau khi mua cổ phiếu quỹ lại càng hiếm trên thị trường Việt Nam. Hiện chỉ còn hơn nửa năm nữa, dự thảo Thông tư vẫn chưa được công bố để lấy ý kiến góp ý.

Trích Điều 36/ Luật chứng khoán năm 2019 về Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình

1. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, phương án mua lại, trong đó nêu rõ số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại;
b) Có đủ nguồn để mua lại cổ phiếu từ các nguồn sau đây: thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;
c) Có công ty chứng khoán được chỉ định thực hiện giao dịch, trừ trường hợp công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam mua lại cổ phiếu của chính mình;
d) Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật trong trường hợp công ty đại chúng thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
đ) Không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Việc mua lại cổ phiếu được miễn trừ điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:
a) Mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu;
c) Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.
Tin liên quan
Tin khác