Trong một công văn gửi cơ quan chức năng Việt Nam mới đây, Công ty sữa Meiji của Nhật bày tỏ mong muốn chỉ định một nhà nhập khẩu duy nhất tại Hà Nội, được uỷ quyền nhập và bán các dòng sản phẩm của họ ở Việt Nam.
Theo đó, hãng này thừa nhận sữa Meiji nội địa Nhật Bản (sản phẩm sản xuất hướng đến thị trường Nhật và đang được lưu thông tại nước này) không đúng với chuẩn ở Việt Nam. Cụ thể là thành phần biotin, choline, mangan i-ốt trong sữa bột công thức Meiji nhãn hiệu Hohoemi (số 0 - cho trẻ dưới 12 tháng) và thành phần biotin, kẽm, i-ốt trong sữa Meiji nhãn hiệu Step (số 9 - cho trẻ từ 1-3 tuổi) đáp ứng các quy định của Nhật nhưng lại không hợp chuẩn của Việt Nam.
"Điều này là do sự khác biệt trong tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng và nhu cầu các chất khác nhau giữa người Nhật và người Việt", hãng Meiji giải thích.
Việc sữa nội địa Nhật có hàm lượng i-ốt thấp hơn so với nhu cầu của trẻ em Việt (do thói quen ăn uống và sinh hoạt của người Nhật) đã được cảnh báo nhiều nhưng sữa Meiji nội địa vẫn được ưa dùng và tiêu thụ với số lượng lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sở dĩ hàm lượng này thấp so với chuẩn Việt Nam bởi Chính phủ Nhật không cho phép bổ sung i-ốt vào sữa công thức cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, Meiji cũng đề cập việc không loại trừ hàng nội địa Nhật Bản này khi đem về Việt Nam được bảo quản không đúng cách dẫn đến chất lượng xuống cấp hoặc khả năng hàng giả trà trộn trên thị trường. Do đó, Meiji đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam không cấp phép nhập khẩu và không thông quan với sản phẩm Meiji nội địa Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Sữa Meiji cho trẻ từ 0-12 tháng và từ 1-3 tuổi ở thị trường Việt Nam chủ yếu là hàng nội địa được sản xuất cho thị trường Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lan. |
Trên thực tế, sữa công thức Meiji cho trẻ 0-3 tuổi được các bà mẹ sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hãng này đã ngừng lưu hành nhãn hàng tại Việt Nam nên trên thị trường chủ yếu là sản phẩm sữa được bán tại Nhật, do các công ty nhập khẩu của Việt Nam cũng như các cửa hàng xách tay mang về trong nước tiêu thụ.
Lãnh đạo một công ty chuyên nhập khẩu các mặt hàng từ Nhật về cho biết: "Đề nghị này của Meiji đe doạ tới khả năng nhập khẩu hợp pháp của các công ty khác và tạo điều kiện cho công ty nhập khẩu họ chỉ định được độc quyền. Thực tế là các sản phẩm sữa Meiji chúng tôi nhập khẩu đều có giấy tờ hợp lý của công ty xuất khẩu bên Nhật, giấy chứng nhận chất lượng của Bộ Y tế cũng như các giấy tờ liên quan của nhà chức trách Việt Nam".
Đại diện một công ty nhập khẩu khác nói: "Thực ra tôi chuyên nhập khẩu sữa, nếu bị cấm nhập thì tôi sẽ chuyển sang nhãn hiệu khác nên dù cơ quan hải quan không cho phép cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, cần làm rõ để minh oan cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đừng khiến người tiêu dùng nghĩ sữa Meiji chúng tôi mang về là giả và không đảm bảo chất lượng trong khi đó là sữa đang được bán tại Nhật trong khi quy chuẩn về an toàn chất lượng của thị trường này vốn rất cao và nghiêm ngặt".
Trao đổi với PV, Cục Giám sát và Quản lý Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết chưa nhận được công văn này của Meiji. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ xem xét việc đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm sữa của Meiji cũng như trao đổi lại với hãng này để làm rõ đề xuất trên có dấu hiệu "độc quyền" phân phối và gây cản trở cạnh tranh trong hoạt động xuất nhập khẩu hay không. Bên cạnh đó, việc này liên quan tới nhiều cơ quan chức năng khác như Bộ Y tế, Bộ Công An... nên cơ quan này chưa thể kết luận có thực hiện theo yêu cầu của hãng sữa Nhật Bản hay không.