Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), diễn ra cuối năm 2015, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ngành sữa.
Vậy, tại sao Việt Nam phải áp dụng chính sách bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi? Vào thời điểm Chính phủ quyết định áp trần giá sữa, giá mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em tại thị trường Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Tính trung bình, giá 1kg sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, doanh nghiệp dù có chiến lược kinh doanh riêng nhưng không thể có mức chênh lệch lớn như vậy. Việt Nam hiện có trên 10 triệu trẻ dưới 6 tuổi, đây là đối tượng rất nhạy cảm và cần được quan tâm. Trong khi đó, thu nhập người dân chưa cao so với khu vực và thế giới. Vì vậy, việc bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là đòi hỏi chính đáng của xã hội. Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính, tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa, từ ngày 1/6/2015 đến hết 31/12/2016.
Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với thế giới. Việc tuân thủ luật pháp quốc tế và những cam kết đã ký, trong đó có giảm thiểu sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, sẽ được Chính phủ thực hiện đúng lộ trình. Song bên cạnh việc tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng sẽ luôn được Nhà nước bảo vệ.
Để Chính phủ sớm đi đến quyết định bỏ áp trần giá sữa với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa cũng phải nỗ lực xây dựng một chiến lược giá minh bạch, hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, sau khi Bộ Tài chính kiểm soát gắt gao việc kê khai, tăng giá sữa, giá bán mặt hàng này đã ổn định hơn rất nhiều. Tình trạng tăng giá đột biến, bất thường không còn xảy ra như "cơm bữa", giúp người tiêu dùng được mua sữa với mức giá hợp lý. Vì vậy, trước khi đòi hỏi bỏ áp trần với giá sữa bột, doanh nghiệp cần có những hành động thiết thực để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, thông qua một chính sách giá minh bạch, hài hòa quyền lợi giữa các bên.