Chặn mầm loạn lãi suất
Gần một năm qua, lãi suất trên thị trường ngân hàng có dấu hiệu nóng lên. Những dấu hiệu lách trần lãi suất đã xuất hiện ngày càng công khai, không chỉ với VND, mà cả với USD, không chỉ với ngân hàng nhỏ, mà với cả các ngân hàng lớn. Với các hình thức như thưởng tiền mặt, bốc thăm trúng thưởng, tặng quà, gửi sổ tiết kiệm USD… Lãi suất USD thực tế được nhiều ngân hàng áp dụng ở mức 0,5 - 1%, thay vì trần lãi suất 0%/năm như quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, trong năm 2015, khi lãi suất huy động USD còn ở mức 0,25%/năm, chuyện lách trần đã âm thầm diễn ra. Với VND, mặc dù lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng được quy định không được phép vượt quá 5,5%/năm, song với các biện pháp kỹ thuật, nhiều ngân hàng vẫn nâng lên mức 6%/năm.
. |
Khi bị chất vấn về sai phạm của cán bộ, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, đây là việc làm tự phát của cán bộ, nhân viên, chứ không phải chủ trương của nhà băng. Dù vậy, ai cũng hiểu, nếu lãnh đạo ngân hàng không “bật đèn xanh”, thì việc vi phạm công khai và trên diện rộng như vậy khó xảy ra.
Trước mầm loạn của thị trường, cuối tuần qua, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 3254/NHNN-TTGSNH và 3255/NHNN-TTGSNH về chấn chỉnh việc thực hiện quy định lãi suất huy động.
Theo đó, Thống đốc nghiêm cấm các ngân hàng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động USD, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Mệnh lệnh hành chính tăng trở lại
Đầu năm nay (ngày 19/1/2016), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản tương tự về vấn đề này. Việc ban hành liên tiếp 2 văn bản chấn chỉnh lãi suất trong vòng hơn 3 tháng cho thấy, cơ quan quản lý đang lo ngại về mức độ vi phạm quy định về lãi suất, gây ra hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Đồng thời, việc này cũng cho thấy, những mệnh lệnh hành chính trên chưa thực hiệu quả.
Cũng phải nói thêm, từ năm 2015 đến nay, các mệnh lệnh hành chính trên thị trường có dấu hiệu gia tăng, thể hiện qua những quy định như áp dụng lãi suất 0%/năm với huy động USD, dừng cho vay ngoại tệ với một số đối tượng xuất khẩu, kêu gọi giảm lãi suất… Những quy định này, xét về hình thức, đã được các ngân hàng thực thi. Mặc dù vậy, “sóng ngầm” vẫn âm ỉ diễn ra, nhất là đối với lãi suất, bởi các ngân hàng đang đứng trước nhiều áp lực huy động vốn để tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu…
Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng, quy định lãi suất 0%/năm với tiền gửi USD là mệnh lệnh hành chính, không theo yêu cầu của thị trường, nên phát sinh lách trần lãi suất là điều dễ hiểu.
“Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp chống đô-la hóa nền kinh tế là đúng, nhưng khoảng cách giữa chính sách và thực tế đang làm méo mó thị trường”, bà Mùi nói.
Trước đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, chủ trương chống đô-la hóa là đúng, song lãi suất huy động USD về 0%/năm đang khiến tiền gửi nước ngoài của các nhà băng Việt Nam tăng bất thường, tiềm ẩn “bẫy thanh khoản”.
“Việc đưa lãi suất huy động về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn. Do đó, phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp, nên tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài”, ông Thành nhận định.
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, lãi suất có dấu hiệu tăng lên, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực để ổn định lãi suất, ghìm cương tỷ giá. Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, khi thị trường có dấu hiệu lách trần trên diện rộng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại các quy định đó. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mệnh lệnh hành chính luôn là biện pháp “cực chẳng đã”.