Tài chính - Chứng khoán
MIC lộ tham vọng mới trong kế hoạch huy động 300 tỷ đồng
Hải Bằng - 03/04/2016 09:17
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) dự kiến tiến hành đợt tăng vốn khủng với quy mô phát hành 30 triệu cổ phiếu, tương đương 300 tỷ đồng theo mệnh giá. Đợt huy động này nếu thành công sẽ khiến quy mô vốn của MIC tăng tới 60% so với hiện nay.

Rõ ràng, với quy mô huy động vốn khủng như vậy, tham vọng của công ty bảo hiểm ngành quân đội khá rõ ràng. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016, mức doanh thu dự kiến của MIC đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2015, trong đó, tổng thu phí bảo hiểm đạt 1.790 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 80 tỷ đồng. Tỷ lệ bồi thường năm 2016 dự kiến đạt 34%; quỹ dự phòng nghiệp vụ dự kiến là 846 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng, tăng 43,7% so với năm 2015; cổ tức dự kiến đạt 7%. Số lượng đơn vị thành viên dự kiến sẽ đạt 50 công ty, tăng 13 công ty so với hiện nay.

MIC đang rất “khát” vốn để có thể đạt hiện thực hóa các mục tiêu đề ra

Trước đó, trong năm 2015, MIC đạt doanh thu 1.594 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 50 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước đó. Với những con số hiện tại, MIC đang là đối thủ đáng gờm của nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị trường. Trong năm 2015, công ty này đã tăng thị phần từ 3,6% năm 2014 lên 4,4% và vươn từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 6 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Tham vọng của MIC chưa dừng lại ở vị thế hiện tại, khi ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MIC đã tuyên bố khá tự tin rằng, đến năm 2020, MIC sẽ vào Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và vào Top 3 vào năm 2025.

Trong khi đó, nhìn vào thực tế thì tham vọng của đại gia bảo hiểm ngành quân đội này hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ MIC là công ty đang trên đà đi lên. Nhìn vào kết quả kinh doanh những năm gần đây, có thể thấy, tăng trưởng doanh thu của MIC đều đạt xấp xỉ 40%/năm.

Ngoài các con số về kế hoạch kinh doanh năm 2016, MIC cũng đã “lên dây cót” cho các kế hoạch dài hơi hơn với doanh thu dự kiến năm 2017 có thể đạt tới 2.500 tỷ đồng, tăng 25% so với 2016 và doanh thu năm 2018 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Tương tự, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của MIC đạt ra đạt 90 tỷ đồng năm 2017, tăng trưởng 25% so với 2016 và năm 2018 đạt 120 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2017.

Với những lộ trình đặt ra khá rõ ràng, MIC đang rất “khát” vốn để có thể đạt hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Bởi lẽ, tăng vốn là con đường duy nhất để công ty này có thể tiếp cận một số mảng nghiệp vụ, dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn theo luật định.

Cụ thể, theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản thì doanh nghiệp bảo hiểm muốn triển khai bảo hiểm khai thác hải sản phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 800 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang soạn thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trong đó có thể có quy định các tài sản công phải mua bảo hiểm đủ giá trị vào năm 2017 và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải có vốn điều lệ tối thiểu 800 tỷ đồng.

Chưa kể, hiện nay, trong một số dự án trọng điểm của Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, điện, than, hạ tầng giao thông…, doanh nghiệp bảo hiểm muốn tham gia đấu thầu phải có vốn điều lệ tối thiểu 800 tỷ đồng, thậm chí có dự án quy định vốn tối thiểu phải đạt 1.500 tỷ đồng.

Về tương quan tiềm lực của MIC, công ty này đang đứng thứ 12 trong số các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, song đã đứng thứ 6 thị trường về thị phần doanh thu. Nếu kế hoạch tăng vốn lên 800 tỷ đồng được thực hiện thì MIC sẽ vươn lên đứng thứ 5 thị trường về quy mô vốn điều lệ. Với vị thế mới về tiềm lực tài chính, MIC có thể sẽ như rồng thêm vây để “làm mưa, làm gió” trên thị trường trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác