Viễn thông - Công nghệ
“Miền đất mới” của "tam đại gia" viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone
Hữu Tuấn - 18/08/2022 08:15
Ngành viễn thông đang có dấu hiệu chững lại; 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đang chuyển hướng sang lĩnh vực mới.
Các doanh nghiệp viễn thông đang chuyển hướng sang lĩnh vực mới là cung cấp chuyển đổi số Ảnh: Đức Thanh

Mảng kinh doanh cốt lõi suy giảm

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực viễn thông đạt doanh thu 156.556 tỷ đồng, chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ 2021. Số liệu này cho thấy, mảnh kinh doanh cốt lõi là viễn thông của các nhà mạng đang suy giảm mạnh.

Tại VNPT, trong 6 tháng đầu năm 2022, ước tính doanh thu hợp nhất đạt 26.828 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 3.152 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận công mẹ bằng 49% kế hoạch năm và tương đương cùng kỳ năm 2021. Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước 2.451 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại MobiFone, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 15.094 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 2.312 tỷ đồng. Năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của MobiFone đạt 15.551 tỷ đồng.

Viettel có tình hình kinh doanh khởi sắc hơn cả. Kết thúc nửa đầu năm 2022, Viettel có doanh thu tăng 6,6%, lợi nhuận tăng 21,7%. Doanh thu từ viễn thông của Viettel đạt mức tăng trưởng mạnh là từ các thị trường nước ngoài.

Theo đó, doanh thu dịch vụ của Viettel tăng trưởng tại tất cả 9/9 thị trường so với cùng kỳ. Trong đó, 6/9 thị trường có mức tăng trưởng 2 con số gồm Movitel (Mozambique) 38,6%; Mytel (Myanmar) 79,6%; Natcom (Haiti) 28,6%; Lumitel (Burundi) 22,4%; Telemor (Timor Leste) 15,9% và Halotel (Tanzania) 14,2%.

Hiện ngành viễn thông vẫn cạnh tranh khốc liệt, nhất là cuộc chiến giảm giá khiến doanh thu, lợi nhuận suy giảm. Đặc biệt, các nhà mạng phải đối đầu với đối thủ là dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền tảng Internet), khiến tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông những năm gần đây “đi ngang”.

Đặc biệt, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, ngành viễn thông phải đối mặt với khó khăn do Covid-19. Bên cạnh sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, doanh thu lợi nhuận giảm, thì các nhà mạng lớn còn phải thực hiện nghĩa vụ phòng chống dịch.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết, các tác động trực tiếp từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu chip bán dẫn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của VNPT.

Đánh giá về thị trường viễn thông, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, lĩnh vực viễn thông đang co hẹp lại. Cả thế giới đang thay đổi, lĩnh vực phải hướng tới không gian tăng trưởng mới. Song, ông Long cũng cho rằng, không gian phát triển còn nhiều, nhưng phải có cách tiếp cận mới, cách thực thi mới. Các doanh nghiệp cần bước ra khỏi tư duy truyền thống.

Chuyển đổi số - cánh cửa mới cho viễn thông

Trên thực tế thì các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện chuyển hướng kinh doanh từ vài năm trước khi lĩnh vực viễn thông bắt đầu suy giảm. Cả Viettel, VNPT, MobiFone đã chuyển từ nhà mạng viễn thông truyền thống sang đầu tư, kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ chuyển đổi số.

Đại diện Viettel cho biết, trong lĩnh vực giải pháp CNTT và dịch vụ số, Viettel đã và đang đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ mới như TV 360, Viettel Money, eSport, các giải pháp cho ngôi nhà thông minh (smart home) và camera an ninh… Về lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, Viettel đã xây dựng chiến lược đầu tư hạ tầng logistics, tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bán lẻ và phân phối.

Viettel đồng thời bắt đầu quá trình xúc tiến đưa các sản phẩm công nghệ ra thị trường quốc tế như các dịch vụ B2B tại Myanmar; dịch vụ an toàn thông tin mạng tại Đức; hợp tác với Tập đoàn công nghệ Nvidia (Mỹ) mở rộng hệ thống kinh doanh với các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu; kinh doanh thiết bị mạng viễn thông, máy thông tin tại một số thị trường Đông Nam Á, Nam Á; xuất khẩu cáp quang…

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Viettel sẽ cộng hưởng các nguồn lực cả trong và ngoài Viettel, cả trong và ngoài Việt Nam để có các sản phẩm số đột phá, dẫn dắt thị trường”.

Còn ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ, MobiFone đã  mắt hệ sinh thái tài chính số; mở rộng thương mại điện tử; phát triển dịch vụ băng rộng cố định; hợp tác kinh doanh với các đối tác mới cung cấp dịch vụ chuyển đổi số như khối ngân hàng, truyền hình trả tiền…

“Tổng công ty từng bước chuyển đổi, tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, triển khai kinh doanh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ cung cấp dịch vụ, thu cước, chăm sóc khách hàng...; cung cấp dịch vụ cloud; đẩy mạnh kinh doanh nhóm dịch vụ nền tảng; bắt đầu triển khai các dịch vụ đặc thù... Đồng thời, tiến hành triển khai có hiệu quả lộ trình chuyển đổi số, từng bước chuyển mình từ doanh nghiệp khai thác dịch vụ viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp số, đẩy mạnh tham gia nền tảng số quốc gia...”, lãnh đạo MobiFone nói.

Với VNPT, nhà mạng này xác định là doanh nghiệp công nghệ số tham gia dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. VNPT đã và đang tham gia tư vấn, triển khai các dự án chuyển đổi số, phát triển kinh doanh những giải pháp công nghệ thông tin cho các bộ, ngành, địa phương; đóng góp tích cực gia tăng giá trị dịch vụ số và nền tảng số cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế số; tiên phong ứng dụng và phổ biến các công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp; hình thành và triển khai các dự án trọng điểm về y tế, giáo dục; chuyển đổi số hộ gia đình thông qua việc đẩy mạnh cung cấp Internet tốc độ cao, phát triển dịch vụ nội dung số và tiện ích gia đình Smart Home, dịch vụ truyền hình MyTV, triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ VNPT Money...

Có thể thấy, “tam đại gia” viễn thông đang thoát khỏi chiếc áo truyền thống để bước vào lĩnh vực mới. Một cuộc chạy đua mới, khốc liệt không kém đang diễn ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành viễn thông - CNTT đạt tổng doanh thu 1.833.162 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 137.276 tỷ đồng, nộp ngân sách 62.957 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đã đạt mốc hơn 59.000 với tổng số lao động là hơn 1,5 triệu người.
Tin liên quan
Tin khác