Các ngân hàng rất cần chia sẻ của các đối tác |
100% ngân hàng miễn, giảm phí
Ngay khi dịch Covid – 19 xảy ra, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời để hỗ trợ khách hàng, trong đó có 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.
Tiếp đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), áp dụng từ 01/4 -31/12/2020.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH cho khách hàng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các TCTD đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.
Đến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ).
Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngân hàng, việc giảm phí đang gặp không ít khó khăn. Ngoài những khoản đầu tư cho công nghệ, vận hành và phát triển dịch vụ, các ngân hàng còn phải gánh không ít chi phí khá lớn từ các đối tác liên quan, chẳng hạn chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông dành cho các ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với những tin nhắn thông thường. Không chỉ vậy, ảnh hưởng của dịch Covid- 19 còn khiến doanh số sử dụng thẻ trong nước và mảng thanh toán đều giảm mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, đối với mảng phát hành, doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm kể từ đầu năm tới nay. Tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm đến 28% so với cùng kỳ 2019.
Đối với mảng thanh toán, doanh số thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt là trong tuần đầu của tháng 4/2020, doanh số thanh toán bình quân giảm đến 78% so với cùng kỳ 2019 và giảm 93% so với tháng 3/2020. Tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch, lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và thẻ nước ngoài trong tháng 3/2020 giảm đến 80% so với tháng trước đó và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4 cũng như các tháng tới.
Ngân hàng cần sự chia sẻ của các đối tác
Để chung tay cùng hệ thống ngân hàng và chia sẻ khó khăn với khách hàng, thay mặt các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước tin nhắn thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.
Với Visa và MasterCard, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị 2 tổ chức trên có chính sách miễn, giảm các loại phí để cho các ngân hàng trong nước. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành; Áp dụng 01 loại phí đối với 01 giao dịch: chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.
Đối với phí trao đổi, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị miễn phí đối với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, không phải là các đơn vị kinh doanh dịch vụ (bệnh viện, trường học, các dịch vụ chi tiêu công...); giảm 50% đối với nhóm kinh doanh dịch vụ và các nhóm ngành khác; giảm 70% phí xử lý giao dịch mà 2 tổ chức trên thu của các ngân hàng phát hành thẻ Visa và Mastercard tại Việt Nam để bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của chính sách giảm Interchange tại khu vực EEA...Thời gian miễn, giảm phí cần ít nhất trong 12 tháng, đồng thời 2 tổ chức trên cũng cần rà soát và điều chỉnh chính sách phí nhằm hỗ trợ thị trường thẻ trong dài hạn.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi đánh giá rất cao những chính sách của NHNN và hoàn toàn ủng hộ những động thái của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Việc kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chung tay chia sẻ, miễn, giảm phí giao dịch cho ngân hàng và qua đó hỗ trợ cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh hiện nay rất có ý nghĩa. Tôi không rõ Visa và Martercard có các biệt lệ cho các thị trường cụ thể như Việt Nam không, song tôi cho rằng Visa và Mastercard chẳng bị thiệt thòi gì trong việc giảm phí cho các ngân hàng, vì với xu thế bùng nổ của ngân hàng số, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thanh toán sẽ giúp bù trừ vào việc giảm phí của họ tại thị trường Việt Nam”.