Quy hoạch theo hướng nào để phù hợp định hướng phát triển quốc gia, liên kết khu vực, nhưng vẫn khẳng định được bản sắc riêng của mình để bứt phá đi lên là bài toán đặt ra, đòi hỏi các địa phương phải có được phương án tối ưu nhất.
Quy hoạch của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần phát huy được lợi thế riêng có của từng địa phương và tính liên kết vùng. Trong ảnh: TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) |
Ý tưởng
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, một nửa thời gian thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Phú Yên đã trôi qua và Phú Yên đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ 33 chuyên đề, trên cơ sở định hướng của lãnh đạo tỉnh, góp ý của các sở, ngành, địa phương, tư vấn quy hoạch đã rút xuống còn 24 chuyên đề.
“Đây là tiền đề quan trọng cho việc đề xuất các phương án phát triển và xây dựng các nội dung tiếp theo trong việc lập quy hoạch tỉnh”, ông Phạm Đại Dương khẳng định.
Để hoàn thiện đồ án quy hoạch kịp tiến độ và đạt chất lượng, Tỉnh ủy Phú Yên đã đưa nhiệm vụ này vào Nghị quyết xác định trọng tâm của tỉnh trong năm 2021. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, tỉnh phấn đấu hoàn thành lập quy hoạch trước ngày 31/12/2021 để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong quý I/2022.
Cùng với Phú Yên, Đà Nẵng cũng đang trên đường chạy về đích hoàn thành các đồ án quy hoạch đến năm 2050. Là trung tâm của duyên hải miền Trung, Đà Nẵng cần có được tầm nhìn quy hoạch tương xứng với vị thế trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực, đồng thời phát huy được những tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách đang đặt lên vai nhiệm kỳ lãnh đạo này. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, đến thời điểm hiện tại, dù còn phải bổ sung nhiều yếu tố để hoàn thiện, nhưng nhìn chung, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án quy hoạch cơ bản đáp ứng được chủ trương của Đà Nẵng.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tư vấn tổng Dự án “Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cho biết, ý tưởng mà tư vấn đề xuất với Đà Nẵng là phát triển theo phân khu ứng với từng thời kỳ theo chiến lược “vết dầu loang”, tức là, đi từ trung tâm, theo thời gian và tiềm lực phù hợp sẽ mở rộng dần đô thị.
Để thực hiện quy hoạch này, ông Đông đề xuất với lãnh đạo Đà Nẵng ý tưởng 3 trụ cột. Đó là: phát triển khu trung tâm (quận Hải Châu và vịnh Đà Nẵng); phát triển trung tâm chế xuất và trung chuyển hàng hóa miền Trung; phát triển kinh tế tri thức, trong đó tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông, tiết kiệm chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
“Không có lựa chọn khác để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung nếu không định hướng phát triển đô thị nén. Bởi lẽ, Đà Nẵng không có đủ nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho một đô thị dàn trải”, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
“Không có lựa chọn nào khác” cũng là quan điểm mà tỉnh Quảng Ngãi xác định và chuẩn bị tư tưởng đối với công tác lập quy hoạch của địa phương cho một giai đoạn phát triển dài hơi.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Đây là sản phẩm trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Hình thành quy hoạch tỉnh thực hiện cho 10 năm tới và có tầm nhìn 20 năm sau, cho nên, tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan khi triển khai nhiệm vụ quy hoạch phải tuân thủ đầy đủ các bước theo quy hoạch và lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng”.
Song song chạy đà cùng miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang từng ngày, từng giờ tranh thủ thời gian hoàn thiện quy hoạch. Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, dự thảo quy hoạch tỉnh Gia Lai đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng, định hướng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội rất chi tiết và khoa học.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị cũng khá tâm đắc với công tác tư vấn lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Đắk Lắk sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh để trở thành địa phương phát triển khá của cả nước.
Định hướng
Từ nay đến hết năm 2022, theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ có nhiều quy hoạch của các địa phương được duyệt. Những chiến lược phát triển, định hướng để mời gọi nhà đầu tư, phát huy nội lực… sẽ được phát lộ. Điểm đáng lưu ý là, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, địa giới hành chính và không gian là không biên giới, theo đó, liên kết vùng, kết nối quốc gia, khu vực và quốc tế sẽ là một trong những yếu tố mang đến thành công nhất định cho các đồ án quy hoạch.
Thời gian qua, nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, quốc gia về chủ đề quy hoạch khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được tổ chức, hội tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về quy hoạch với những đóng góp tâm huyết, sát sườn.
Những ý kiến đóng góp thuyết phục này phần nào ảnh hưởng đến định hướng của các địa phương đối với đơn vị tư vấn để vừa phát huy lợi thế, vừa phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương coi đó là kênh tham khảo quan trọng để địa phương lưu ý đơn vị tư vấn trong quá trình lập quy hoạch, vừa bám sát chủ trương, định hướng phát triển của Trung ương gắn với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, vừa gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Quy hoạch nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển bền vững cả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và đảm bảo hài hòa 5 yếu tố: kinh tế - an sinh xã hội - môi trường - quốc phòng an ninh - giá trị văn hóa.
Còn với Quảng Ngãi, theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, quy hoạch được xây dựng theo định hướng phát triển Quảng Ngãi trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, đặt mối liên kết chặt chẽ với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định để trở thành trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; kết hợp với Quảng Nam, phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Với tỉnh Đắk Nông, tư vấn quy hoạch đã xây dựng định hướng phát triển với 3 trụ cột: lấy công nghiệp là động lực phát triển, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh dịch vụ, du lịch.
Trong khi đó, chủ trương quy hoạch mà Đà Nẵng luôn lưu ý đơn vị tư vấn là vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để xứng đáng với vai trò này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng khuyến khích phía tư vấn đưa ra các mục tiêu, phương án mang tính đột phá cho Thành phố.
Theo ông Quảng, tại các đô thị tiên tiến trên thế giới, đã hình thành và phát triển các mô hình đô thị mới theo xu hướng bền vững, nhân văn và phục vụ cao nhất cho con người, đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; mô hình liên kết vùng đô thị để nâng cao cạnh tranh, đô thị nén, có mật độ cao gắn kết giao thông công cộng, đô thị sinh thái, đô thị nông nghiệp, đô thị sân bay, đô thị đại học… để phát huy trí tuệ cộng đồng, tâm huyết của các nhà đầu tư, xây dựng một môi trường đầu tư cởi mở, giữ vững nguyên tắc phát triển đúng định hướng của chính quyền.
“Đây sẽ là những hình mẫu để Đà Nẵng nghiên cứu áp dụng vào định hướng phát triển của mình”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.