Dự án điện mặt trời kết hợp điện gió của Tập đoàn Trung Nam Group. |
Mặt trời lan tỏa
Hàng trăm dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện mặt trời áp mái đã và đang được triển khai, đưa vào vận hành khai thác, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Từ hơn 10 năm trước, Đảng, Nhà nước đã có những nghị quyết quan trọng nhằm phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đón nhận những chính sách quan trọng này, lãnh đạo khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã nhanh chóng nhập cuộc, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia (trong số các địa phương này, chỉ Đà Nẵng và Quảng Nam đang có nhiều dư địa phát triển năng lượng tái tạo, nhưng chưa khai thác).
Công việc chạy đà để dọn đường thu hút các nhà đầu tư chính là việc quy hoạch các khu vực có tiềm năng về điện mặt trời, điện gió. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên đã khảo sát 5 vùng năng lượng tái tạo và lập tức, nhiều nhà đầu tư tiếp cận ngay.
Hay như Bình Định, các nhà đầu tư “tinh mắt” đã để ý và đề xuất bổ sung quy hoạch đối với các vị trí trong Khu kinh tế Nhơn Hội, huyện Phù Cát…
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ: “Các dự án điện gió, điện mặt trời đã xuất hiện tại Bình Định từ rất sớm, đặc biệt là điện gió Phương Mai. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do cơ chế giá chưa phù hợp, nên dự án cứ dở dang. Chỉ từ 3 năm qua, tốc độ đầu tư và triển khai các dự án diễn ra nhanh chóng đã thực sự tạo nên làn sóng đầu tư tại Bình Định”.
Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, càng vào phía Nam, như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, hiệu suất về năng lượng càng tăng cao. Tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng AMI Khánh Hòa, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa là địa phương có lượng nhiệt năng mặt trời tốt, nếu thực hiện các dự án điện mặt trời ở đây sẽ có hiệu quả cao”.
Sau khi được chính quyền “bật đèn xanh” và chớp thời cơ từ cơ chế giá của Nhà nước, từ năm 2017 đến 2019, miền Trung - Tây Nguyên đã chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt dự án năng lượng tái tạo. Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, với cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá của Chính phủ, đã có 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện quý III/2019, trong đó, đa phần ở miền Trung - Tây Nguyên.
Nếu đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW, thì đến ngày 26/5/2019, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia đã đóng điện 34 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất lắp đặt gần 2.200 MW và đến ngày 30/6/2019, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ, khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.
Hình thành ngành công nghiệp chủ lực
Trong bối cảnh Covid-19 hoành hoành như hiện nay, việc các dự án đầu tư năng lượng tái tạo tiếp tục được triển khai đang mang lại nhiều hy vọng về thu ngân sách cho các địa phương và góp phần duy trì ổn định nền kinh tế. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những tháng đầu năm 2020, dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng nhu cầu phụ tải vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%, chủ yếu từ năng lượng tái tạo.
Còn theo khảo sát của Grant Thorton, năng lượng tái tạo đang nổi lên như một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, năng lượng tái tạo vươn lên đứng vị trí thứ ba (chỉ sau fintech và giáo dục), dẫn trước chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử và logistics. Được biết, năm 2018, lĩnh vực này đứng vị trí thứ 10 trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước.
“Với chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ngày càng được Chính phủ quan tâm, thì thời gian để hình thành một ngành công nghiệp chủ lực của đất nước từ miền Trung - Tây Nguyên chỉ còn là vấn đề thời gian. Qua đó, sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, nhất là vận tải đường bộ và đường biển thông qua các cảng nước sâu tại khối cảng Nam Trung bộ”, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trung Nam Group nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, việc vận chuyển các thiết bị điện gió là thách thức đối với các khối cảng và nhà đầu tư sẽ phải tính toán kỹ chiến lược vận chuyển trong chuỗi dịch vụ logistics trọn gói của các cảng, từ đó mới tính toán được chi phí tối ưu nhất, cũng như đảm bảo an toàn cho các lô hàng thiết bị điện gió. Những vấn đề được nhà đầu tư cân nhắc là vận chuyển đường biển, khả năng xếp dỡ, vận chuyển đường bộ, tuyến đường và bãi tập kết thiết bị.
Để khai thác tối ưu lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư cần tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao số giờ vận hành nguồn điện, đầu tư hạ tầng lưới điện một số khu vực có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo theo hình thức xã hội hóa… Ngoài ra, cơ chế vay vốn cần linh hoạt và đơn giản, minh bạch hơn trong quy trình thủ tục phê duyệt dự án.
Theo PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những năm gần đây, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thì xu hướng tiếp theo là tăng trưởng xanh. Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo chiếm đa số và thay thế điện sử dụng năng lượng hóa thạch. Chính vì vậy, với chiến lược tăng trưởng chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, Việt Nam cần cụ thể hóa nhiều chính sách, tạo tiền đề thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.