Giá hấp dẫn, sức hút đầu tư lớn
Trước thực tế mối quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân với các dự án điện mặt trời, điện gió hay điện khí LNG trong 2 năm trở lại đây, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, khi kêu gọi đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn điện, nếu có tín hiệu đưa ra thực sự khuyến khích như cơ chế điện gió hay điện mặt trời vừa qua là giá cố định và có sự hấp dẫn, bao tiêu 20 năm, hợp đồng mua bán điện áp dụng mẫu, thì sẽ được nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm và không mất nhiều thời gian thương thảo.
Nguồn: Quy hoạch Phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến 2035- Viện Năng lượng - 2018, Wind Potential Map - WB, 2018. Đồ họa: T. Huyền |
Không có con số thống kê chính xác về số vốn mà các nhà đầu tư đã bỏ vào các nhà máy điện gió và điện mặt trời đang vận hành, nhưng các chuyên gia ước tính, lĩnh vực này đã thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư thời gian qua.
Điều này là nhờ chính sách giá cho điện mặt trời đặt ở mức khá cao, tới 9,35 UScent/kWh tới ngày 30/6/2019 và giá điện gió là 8,5 - 9,8 UScent/kWh tới hết ngày 31/10/2021.
Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) tới ngày 14/7, cả nước có 99 nhà máy điện mặt trời nối lưới với tổng công suất đặt là 5.053 MW và 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 429 MW đang hoạt động.
Tổng công suất điện gió và điện mặt trời đang vận hành hiện chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn của hệ thống. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện gió và điện mặt trời được huy động là 5,187 tỷ kWh, chiếm 4,6% tổng sản lượng điện sản xuất.
A0 cũng ước tính, điện gió và điện mặt trời sẽ đóng góp 10,8 tỷ kWh trong năm 2020, chiếm khoảng 4,3% sản lượng điện sản xuất của cả nước.
Theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp được lên kế hoạch đạt 15 - 20% vào năm 2030 và tăng lên 25 - 30% vào năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất là 30% vào năm 2030 và 40% vào năm 2025. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo ở đây không chỉ gồm điện gió, mặt trời, rác, sinh khối, mà còn cả từ thủy điện.
Ông Dũng cũng cho hay, Quy hoạch Điện VIII có định hướng phát triển mạnh các nguồn điện sạch và năng lượng tái tạo nhằm đạt được mục tiêu như Nghị quyết 55-NQ/TW đề ra. Thêm nữa, để đảm bảo an ninh cung cấp điện, tạo điều kiện phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cũng cần xem xét quy hoạch cho từng vùng, khu vực nhỏ hơn và kết nối với nhau trong tổng thể chung của quốc gia.
“Giờ đây, khi chuyển sang giai đoạn mới, Nghị quyết 55-NQ/TW không chỉ cần có vấn đề giá thu hút, mà còn cần cả cơ chế minh bạch, rõ ràng và ổn định để khuyến khích nhà đầu tư tham gia”, ông Dũng nói.
Không đồng bộ sẽ khó phát triển
Theo Bộ Công thương, tới cuối năm 2019, đã có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào Quy hoạch.
Với điện gió, ngoài 4.800 MW đã được bổ sung vào Quy hoạch sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (tháng 9/2018), Chính phủ mới đây đồng ý bổ sung tiếp khoảng 7.000 MW điện gió do Bộ Công thương trình.
Thừa nhận sự có mặt của các dự án điện mặt trời đã góp phần bổ sung nguồn điện mới cho hệ thống trong điều kiện nhiều dự án điện lớn khó triển khai, nhưng các chuyên gia cho rằng, cần một quy hoạch bài bản cho phát triển năng lượng, thay vì đua nhau làm và bổ sung quy hoạch như 2 năm qua, trong khi hạ tầng truyền tải không theo kịp, gây lãng phí cho xã hội.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Chính phủ và Bộ Công thương vào giữa tháng 7 cho thấy, hệ thống truyền tải điện gặp khó khăn khi đáp ứng nhu cầu truyền tải của các dự án điện gió (4.800 MW) và điện mặt trời (8.935 MW) đã được bổ sung vào quy hoạch.
Theo EVN, với kết cấu lưới điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đến năm 2025, cơ bản có thể đáp ứng giải tỏa. Tuy nhiên, trong trường hợp toàn bộ các dự án được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2023, thì sẽ xuất hiện quá tải cục bộ tại một số khu vực, tương ứng tỷ lệ 20 - 35% tổng công suất lắp đặt không giải tỏa được.
Với các dự án này, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo không giải tỏa được do hạ tầng lưới điện không đáp ứng kịp tiến độ năm 2021 là 2.300 MW và năm 2023 là 1.555 MW, chủ yếu nằm tại khu vực Nam Trung bộ.
Tuy nhiên, nếu tính thêm 7.000 MW điện gió được Chính phủ thông báo sẽ bổ sung quy hoạch điện, thì tình trạng không giải tỏa được do lưới truyền tải còn tiếp tục tăng lên.
Cụ thể, cuối năm 2021, chỉ có thể giải tỏa khoảng 3.100 MW (đạt 44%); cuối năm 2022 có thể giải tỏa khoảng 4.290 MW (đạt 61%) và tới cuối năm 2023 có thể giải tỏa được khoảng 5.070 MW (đạt 72%).
Nhằm đảm bảo truyền tải công suất của các dự án điện gió và hướng tới cơ chế đấu thầu, đảm bảo minh bạch, tăng tính cạnh tranh, góp phần giảm giá mua từ các dự án điện gió, EVN đã đề nghị các cơ quan hữu trách không kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Đồng thời, EVN đề nghị xem xét giao chủ đầu tư các dự án điện gió thực hiện đầu tư các dự án lưới điện đồng bộ đấu nối dự án điện gió vào lưới điện quốc gia để đảm bảo tiến độ vận hành thương mại và khả năng giải tỏa công suất của dự án điện gió.
Không chỉ có điểm nghẽn về lưới, hệ thống điện cũng đang đứng trước nguy cơ xung động trong việc huy động các nguồn năng lượng tái tạo với nhau và với các nguồn điện truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện.
Theo A0, khi miền Trung và miền Nam bước vào mùa lũ, các nhà máy thủy điện (thuộc nhóm năng lượng tái tạo theo định nghĩa của quốc tế) phải đối mặt với yêu cầu xả lũ vì nước về lớn. Khi đó, việc tối ưu các nguồn điện trên hệ thống sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi nhà máy thủy điện phải xả lũ và các đường dây quá tải, mà lại muốn huy động cao điện gió và điện mặt trời.
“Khi năng lượng gió và mặt trời chiếm tỷ trọng 20% - 30% trong hệ thống, có nhiều quy định cần bổ sung, xử lý để hài hòa các nguồn. Còn nếu nâng tỷ lệ lên trên 40%, thì sẽ có những căng thẳng nhất định trong quá trình vận hành hệ thống điện”, một lãnh đạo A0 cho hay.
Đấu thầu: Lối phải đi
Trong Thông báo số 402/TB-VPCP (ngày 22/11/2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ tiếp tục quan tâm phát triển hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời. Tuy nhiên, cần phải tính toán cơ cấu các loại nguồn điện một cách khoa học và bài bản; phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho.
- TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, bộ này đã đề xuất 2 phương án cơ bản. Đó là đấu thầu theo khả năng giải tỏa của trạm biến áp và đấu thầu theo dự án đã được xác định.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phương án 2 đòi hỏi kết cấu hạ tầng, đất đai sẵn sàng để đấu thầu và chỉ có một số dự án có thể đáp ứng được tiêu chí này khi địa phương có nguồn lực để giải phóng mặt bằng sẵn cũng như xây dựng đường dây chờ.
“Việc đấu thầu giải tỏa theo công suất của trạm biến áp và đường dây có sự linh hoạt hơn và hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, căn cứ đề xuất của các địa phương lên tới 20.000 - 30.000 MW điện mặt trời, thì câu chuyện liên quan đến việc giải tỏa mặt bằng ở các địa phương cũng sẽ cần nhiều công sức”, ông Hoàng Tiến Dũng nhận xét.
Cũng theo ông Dũng, có thể căn cứ vào khả năng giải tỏa công suất của từng khu vực để tổ chức đấu thầu cho nhà phát triển dự án và như vậy sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Theo kế hoạch, trong nửa đầu năm 2021 sẽ tiến hành đấu giá lựa chọn nhà đầu tư cho dự án điện mặt trời.
Chia sẻ thực tế này, EVN cũng đã đề xuất cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió theo hướng có thể học tập kinh nghiệm từ cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào cuối năm 2021 - thời điểm hết hiệu lực của giá FIT áp dụng cho điện gió hiện nay.
Ủng hộ việc đấu thầu/đấu giá chọn nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quy hoạch ngành điện không thể làm theo động lực của nhà đầu tư, bởi như vậy sẽ “băm nát” quy hoạch và sau này không thể sửa được. Đồng thời, cũng không thể làm theo cách, nhà đầu tư này, tỉnh này xin, cơ quan chức năng chấp thuận bổ sung quy hoạch. Tỉnh khác, nhà đầu tư khác cũng xin, lại bổ sung tiếp. Như thế, quy hoạch không còn là quy hoạch nữa.