Sân bay quá tải
Được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước để phục vụ hoạt động của các loại máy bay chiến đấu và vận tải quân sự dưới chế độ cũ, như máy bay F5, DC-9, trực thăng…, đến năm 2012, Sân bay Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã xây dựng mới sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, nâng cấp đường lăn và hệ thống đường giao thông ra vào cảng...
Chỉ trong một năm đi vào vận hành, nhu cầu đi lại của người dân và nhà đầu tư đã vượt công suất cho phép. Năm 2013, Sân bay Tuy Hòa được nâng công suất lên 550.000 hành khách/năm. 3 năm qua, cảng hàng không này luôn đón 8 chuyến bay/ngày đi và đến TP.HCM, Hà Nội, nhưng vẫn không đáp ứng được số lượng hành khách ngày càng tăng.
Đường lăn của Sân bay Phù Cát được xây dựng cho máy bay ATR, nhưng nay sân bay này đã chuyển sang khai thác máy bay Airbus. |
Ngay cạnh Sân bay Tuy Hòa, Sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) cũng đang hoạt động vượt 100% công suất để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách và nhà đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng hành khách qua cảng hàng không này tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, số lượng hàng khách thông qua Cảng hàng không Chu Lai trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp hơn 2 lần so với cả năm 2015. Cùng với đó, sản lượng hàng hóa tăng vọt, thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 đã bằng cả năm ngoái.
Tại Thừa Thiên Huế, nhằm khai thác du lịch ở trung tâm di sản của khu vực Bắc Trung Bộ, năm 2007, Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết định xây dựng Cảng hàng không Phú Bài là cảng hàng không quốc tế thứ 4 của cả nước.
Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực duyên hải miền Trung, Sân bay Đà Nẵng đã phát huy vai trò vận tải hàng không kết nối khu vực và quốc tế. Vì vậy, Sân bay Đà Nẵng được đặc biệt quan tâm, khi chỉ trong vòng 10 năm, sân bay này đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng 2 lần, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Sân bay Đà Nẵng đang đứng trước nhu cầu phải nâng cấp, mở rộng, bởi theo dự báo trước đây, năm 2015, nhu cầu đi lại qua Sân bay Đà Nẵng là khoảng 5 triệu lượt người, nhưng thực tế năm 2016, sân bay này đã đón 6 triệu lượt khách, dẫn đến quá tải.
Điều đó chứng tỏ rằng, nhu cầu đi và đến miền Trung bằng đường không ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi các sân bay phải được nâng cấp đồng bộ, hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Vốn đầu tư từ đâu?
Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hàng không Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%/năm, số lượng hành khách đi máy bay đạt hơn 300 triệu lượt vào năm 2030 và sẽ có 23 sân bay được khai thác (trong đó có 13 cảng hàng không quốc tế), công suất 113 triệu lượt khách/năm.
Tại miền Trung, Sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) chưa được phát triển như như kỳ vọng. Thời gian tới, Cục Hàng không sẽ có hướng kêu gọi đầu tư để phát triển sân bay này thành trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy bay và đào tạo phi công cho cả Việt Nam. Đồng thời, xây dựng nơi đây thành trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế…
Đề án xã hội hóa đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng không được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt cuối năm 2014, với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2015 - 2020 là 230.215 tỷ đồng.
Đã có những mô hình xã hội hóa phát huy hiệu quả. Đó là việc nâng cấp, xây mới Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng, được thực hiện bởi Tổng công ty cổ phần Đầu tư Khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), do Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần AOV thành lập.
Tại Quảng Nam, để nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai, Bộ Giao thông - Vận tải cũng chủ trương thực hiện xã hội hóa. Một số nhà đầu tư đã quan tâm đến dự án này. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (Thiên Tân Group Quảng Ngãi) đã chủ động liên kết với đối tác nước ngoài lập báo cáo tiền khả thi trình Bộ Giao thông - Vận tải cũng như tìm kiếm nhà đầu tư đến từ Mỹ để giải quyết vấn đề tài chính (khoảng 1 tỷ USD).
Thời gian qua, Hãng hàng không tư nhân Vietjet cũng đã tích cực làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để được tham gia dự án được coi là lớn nhất miền Trung này.
Theo ông Nguyễn Khắc Hồng, Tổng giám đốc Công ty AHT, xu hướng xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay là bắt buộc. Thế nhưng trên thực tế, nước ta mới có xã hội hóa trong công tác đào tạo phi công, còn trong lĩnh vực hạ tầng hàng không, rất ít dự án được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Có thể thấy, hầu hết các dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (các sân bay Tuy Hòa, Phù Cát, Thừa Thiên Huế).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chính sách xã hội hóa các dự án hàng không rất rộng mở, kể cả việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay, không nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Nguyên nhân được lý giải là do các công trình trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đòi hỏi vốn lớn, một số công trình khả năng thu hồi vốn thấp, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao (như xây dựng đường băng), nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, còn một số hạn chế về mặt pháp lý, như sự chưa thống nhất giữa nghị định quy định về hình thức đầu tư BOT, BT (Nghị định 108/2009/NĐ-CP) với quyết định quy định về hình thức đầu tư PPP (Quyết định 71/2010/QĐ-TTg) khi áp dụng vào thực tế; mâu thuẫn về giới hạn tỷ lệ góp vốn nhà nước...
Giao thông phải đi trước mở đường.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Để đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giao thông phải đi trước mở đường. Do vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai thành cảng trung chuyển hàng hóa và các dịch vụ hậu cần sửa chữa máy bay của khu vực ASEAN. Không đơn giản chỉ là chuyện rút ngắn không gian và thời gian, mà Chu Lai còn là vận hội cho Quảng Nam, Quảng Ngãi rộng cửa đón các nhà đầu tư.
Thời gian qua, Vietnam Airlines chủ động đưa vào khai thác nhiều đường bay thương mại, chứng tỏ Chu Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư với nhiều dự án lớn đã, đang triển khai hiệu quả, cộng với nhu cầu đi lại của dân địa phương và nhà đầu tư ngày càng gia tăng.
Nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa là bước ngoặt lớn cho địa phương.
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
Dự án Nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa là bước ngoặt lớn cho địa phương, góp phần đáng kể đưa du lịch nói riêng và kinh tế Phú Yên nói chung bứt phá trong thời gian qua và những năm tới.
Trước đây, nhiều du khách rất muốn đến Phú Yên, nhưng điều kiện đi lại khó khăn, chi phí cao đã khiến họ e ngại. Từ khi đi vào hoạt động, Sân bay Tuy Hòa luôn trong tình trạng quá tải. Điều đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của tuyến vận tải hàng không này.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên có kế hoạch đề nghị Vietnam Airlines, VietJet nâng cấp các chuyến bay lên loại máy bay lớn hơn và mở thêm các đường bay mới, nhằm thu hút khách đi máy bay nhiều hơn.
Kiến nghị triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Phù Cát.
Ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng hàng không Phù Cát
Nhà ga hành khách của Sân bay Phù Cát công suất thiết kế giờ cao điểm chỉ đạt 300 khách. Trong khi đó, thực tế gần 7 tháng đầu năm cho thấy, nhà ga này luôn hoạt động gấp đôi công suất (600 khách/giờ) vào giờ cao điểm. Đường băng trước đây được thiết kế chủ yếu phục vụ loại máy bay ATR72, tần suất 3 chuyến/giờ, nhưng hiện nay, Sân bay Phù Cát khai thác chủ yếu là máy bay Airbus, với tần suất tăng gấp 3 lần vào giờ cao điểm (10 chuyến/giờ). Gần như tất cả tập trung vào buổi sáng, có khi dồn chuyến quá nhiều, gây nên tình trạng ách tắc cục bộ tại các đường băng cất hạ cánh và quá tải nặng tại khu vực nhà chờ sân bay.
Từ thực tế đó, kiến nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhanh chóng triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Phù Cát để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến làm ăn tại Bình Định cũng như khách du lịch khi đến nghỉ ngơi, tham quan những danh lam thắng cảnh của địa phương.