Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đến 1hngày 13/10, vị trí tâm bão Nari (cơn bão số 11) ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
Đến 1h ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ lên phương án khi bão đổ bộ vào miền Trung.
Tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ diễn ra tối 12/10, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo: bão số 11 đang di chuyển với tốc độ khá nhanh và ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong vòng 3 đến 4 ngày tới. Vùng nguy hiểm của bão số 11 được xác định từ Bắc vĩ tuyến 12 và Nam vĩ tuyến 20. Cùng đó, trên vịnh Bắc bộ từ đêm 14 sang ngày 15/10 sẽ có đợt gió mùa Đông bắc tràn về. như vậy cả Vịnh Bắc bộ có khả năng gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Theo nhận định của ông Tăng, sau khi tăng cấp, vượt biển, bão số 11 sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó nhiều khả năng là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Đồng thời, cảnh báo khả năng có mưa lớn tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị…
Tại cuộc họp khẩn tối 11/10, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu: các địa phương phối hợp lực lượng biên phòng tuyến biển khẩn trương thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, đặc biệt là các tàu, thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Chỉ đạo trong cuộc họp, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh: Việc quan trọng nhất hiện nay là các địa phương phối hợp lực lượng biên phòng tuyến biển khẩn trương thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, đặc biệt là các tàu, thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trên đất liền, ông Phát yêu cầu các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định khẩn trương rà soát các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động khi có sự cố; vận hành và điều tiết các hồ chứa phù hợp để giảm lũ cho hạ du.
“Trong ngày 12, 13, 14 cần tập trung chỉ đạo hướng dẫn kêu gọi các tàu thuyền và ngư dân về nơi trú ẩn an toàn. Do bão số 10 vừa đi qua miền Trung nên phải rút kinh nghiệm chỉ đạo kiểm tra vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và những hệ thống cảnh báo nguy hiểm trong trường hợp phải xả lũ khẩn cấp; cảnh báo cho nhân dân khi xả lũ…” - ông Phát nói.
Theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 16h ngày 12/10, đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 56.277 phương tiện với gần 255.000 người biết diễn biến của bão số 11 để chủ động phòng tránh.
Phạm Thanh (Dân trí)