Đạt đỉnh thương vụ tỷ USD
Đúng như kỳ vọng của Diễn đàn M&A thường niên do Báo Đầu tư tổ chức hồi tháng 8/2017, thị trường M&A Việt Nam đã kích nổ được các thương vụ lớn. Một trong hai thương vụ được chờ đón nhất là thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nổ ra khiến giá trị thị trường M&A Việt Nam đạt cao hơn kỳ vọng nhiều. Thậm chí, giới chuyên môn thở phào nhẹ nhõm vì M&A tại Việt Nam đã đạt đỉnh mới, vượt kỷ lục được xác lập cách đây 5 năm là gần 5 tỷ USD.
Chính phủ đã thu được khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD - số tiền kỷ lục cho một phiên thoái vốn từ Sabeco cho công ty bia của Thái Lan (Thai Beverage - Thai Bev). Đặc biệt, sau khi chuyển nhượng 53,59% cổ phần Sabeco, cổ đông nhà nước sẽ vẫn chi phối 36% cổ phần Sabeco - mức vừa đủ để duy trì quyền phủ quyết tại doanh nghiệp.
Với thương vụ thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco diễn ra cuối năm 2017, Chính phủ đã thu về 4,8 tỷ USD. Ảnh: Lê Toàn |
Theo giới chuyên môn, sự kiện này không chỉ mang về nguồn vốn cho ngân sách, mà còn mở ra cơ hội rất lớn cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Có nhiều nguyên nhân khiến Sabeco đấu giá thành công.
Thứ nhất, Sabeco là một doanh nghiệp lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, thời điểm thực hiện đấu giá Sabeco diễn ra tuy hơi muộn, song vẫn rất phù hợp, bởi đây là thời điểm nhà đầu tư Thái Lan dành sự quan tâm đặc biệt đến môi trường đầu tư Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng.
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương rất quyết liệt chỉ đạo trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nên đưa ra tỷ lệ chào bán lớn, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, chủ trương bán trọn lô hơn 53% vốn điều lệ của Sabeco đã tạo động lực cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua hết để nắm giữ quyền chi phối doanh nghiệp. Nếu bán cổ phần với số lượng ít hơn, ngay cả ở mức 49%, nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chùn chân, nếu bán được thì giá cũng sẽ không cao.
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thu về gần 9.000 tỷ đồng khi bán thành công trọn lô 3,33% vốn Vinamilk cho quỹ ngoại Platium Victory Pte Ltd trong đợt đấu giá lần thứ 2.
Thị trường M&A Việt Nam năm 2017, với những thương vụ lớn, gần như đã giải quyết được 3 thách thức đối với tăng trưởng M&A tại Việt Nam được đặt ra tại Diễn đàn M&A. Đó là dòng vốn ngoại vẫn “yêu thích thị trường Việt Nam; gỡ nút thắt từ tiền trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cởi trói về tâm lý thoái vốn, trong khi khối doanh nghiệp tư nhân đã cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài.
Thời kỳ vàng của dòng vốn ngoại
Từ thương vụ bán vốn tại Sabeco cho thấy, chỉ có nhà đầu tư ngoại mới đủ sức đấu giá theo lô lớn. Theo thông báo của Bộ Công thương, hai nhà đầu tư mua cổ phần của Sabeco với mức giá cao nhất trong lịch sử là 320.000 đồng/cổ phần. Mức giá này đã thanh lọc nhiều ứng viên tiềm năng là các hãng bia hàng đầu thế giới nhiều năm “săn đón” doanh nghiệp này như Heineken, AB InBev, Kirin, Asahi, San Miguel...
Không chỉ vậy, hàng loạt thương vụ bán vốn tiêu biểu của năm đều có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Tập đoàn Synnex Technology International (Đài Loan) mua 30% cổ phần FPT Retail và 47% cổ phần FPT Trading từ Tập đoàn FPT. Trong đó, riêng thương vụ bán FPT Trading, FPT thu được 932 tỷ đồng.
Ngoài ra, thương vụ bán cổ phần của HDBank cũng chào đón các quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài. Các định chế tài chính lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital, VinaCapital, Macquarie Bank (Australia), PYN Elite... đã chi 300 triệu USD, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng để mua cổ phần HDBank.
-Năm 2011: 5,5 triệu USD (1 thương vụ)
-Năm 2012: 273,2 triệu USD (4 thương vụ)
-Năm 2013: 20,7 triệu USD (4 thương vụ)
-Năm 2014: 879.0 triệu USD (1 thương vụ)
-Năm 2015: 258,6 triệu USD (7 thương vụ)
-Năm 2016: 2.289 triệu USD (6 thương vụ)
-Năm 2017: 5.200 triệu USD (3 thương vụ)
(Nguồn: Stoxplus)
Ngay cả trong lĩnh vực bất động sản, theo số liệu thống kê của Công ty CBRE, đầu tư góp vốn cổ phần tư nhân trong năm 2016 và 2017 đạt 613,5 triệu USD. Các chủ đầu tư trong nước đã phát triển nhanh chóng nhờ có nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Các giao dịch đầu tư nổi bật nhất trong quý III/2017 là từ Vincom Retail, chào bán số lượng cổ phiếu trị giá 600 triệu USD; Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland; Samsung Securities cùng với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư private equity từ Hồng Kông đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital và trở thành cổ đông lớn thứ hai; Keppel Land đã mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt trị giá 7.300 tỷ đồng tại Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM). Đó là cơ sở để giới chuyên môn nhận định, năm 2018 sẽ là thời kỳ vàng của dòng vốn ngoại rót vào bất động sản.
Tại Hội thảo M&A do Stoxplus phối hợp với Singapore Business Group tổ chức mới đây tại TP.HCM, các chuyên gia của Stoxplus nhận định, có nhiều thương vụ đã và sẽ thực hiện từ việc cổ phần hóa, thoái vốn (cả trên sàn) và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Thực tế, chỉ hơn 500 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa, nhưng vấn đề và cũng là cơ hội khi Nhà nước vẫn sở hữu bình quân tới gần 40% trong các công ty đã cổ phần hóa và còn chi phối trong rất nhiều ngành. “Chỉ tính riêng số vốn nhà nước từ các công ty đại chúng mà Nhà nước sở hữu trên 50% đã lên tới 45 tỷ USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ còn tranh nhau miếng bánh này trong 5 - 10 nữa”, ông Nguyễn Quang Thuân, CEO Stoxplus nhận định.
Quả thật, nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn trong năm 2018. Trong đó, những cái tên sắp tới sẽ là MobiFone, PV Oil, PV Power, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn…
Đặc biệt, khác với mấy năm trước, khi nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn không chỉ về tài chính và thu hẹp cả về quy mô hoạt động, thì các thương vụ M&A giờ đây được định giá cao hơn. Số liệu của StoxPlus chỉ ra, giá cổ phiếu trong các thương vụ M&A mới đây đắt hơn bình quân 50% so với cổ phiếu niêm yết và một số ngành có giá trị doanh nghiệp gấp đôi so với giá trị trên thị trường niêm yết.
“Đây là cơ hội tuyệt vời cho Nhà nước thoái vốn, giải quyết ngắn hạn thâm hụt ngân sách, cho các ông chủ của công ty gia đình thực hiện thành công các kế hoạch hoặc chuyển hướng kinh doanh qua việc chuyển nhượng cho chủ mới, nhất là nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Dự báo năm 2018
Với những gì đã diễn ra trong năm 2017, các nhà đầu tư kỳ vọng, thị trường M&A năm 2018 sẽ “mát tay” hơn. Về xu hướng đầu tư, bên cạnh các ngành truyền thống là hàng tiêu dùng được cho là sôi động nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, thì các năm tới đây sẽ là năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió). Động lực thúc đẩy các thương vụ M&A trong lĩnh vực là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Nếu nhìn vào danh mục các dự án năng lượng tái tạo đã cấp phép của Việt Nam sau khi Bộ Công thương nâng giá điện lên 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD) cho điện mặt trời, có thể thấy, tổng vốn đầu tư vào Việt Nam là khoảng 6 - 7 tỷ USD.
Các chủ đầu tư trong nước chắc chắn sẽ cần tìm vốn và công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp như Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) là điển hình. Năm 2017, TTC cùng các đối tác chiến lược nước ngoài đã công bố khoản đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô mua lại 75% cổ phần tại Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Bách Nhật.
Bên cạnh đó, ngành cấp nước của Việt Nam sẽ rất hot vì đang có lãi cao và có nhiều cơ hội từ việc cải thiện và tư nhân hóa các công ty cấp nước địa phương.
Kế tiếp là nông nghiệp và sản xuất thực phẩm sạch theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food). Trong khi đó, các ngành như ngân hàng, tài chính tiêu dùng, đặc biệt là thương mại và thanh toán điện tử cũng trở lại khi ngành ngân hàng vẫn cần 3 - 5 năm nữa để “dọn dẹp” tiếp những hậu quả đầu tư dàn trải trước đây.
Với rất nhiều “món ngon” ở phía trước đang được dọn và các nhà đầu tư trong và ngoài nước chỉ chờ được “bật đèn xanh” là có thể kích hoạt nhiều thương vụ khủng. Bởi vậy, kỳ vọng tổng giá trị M&A đến năm 2018 đạt 20 tỷ USD được Diễn đàn M&A đặt ra sẽ không còn là mục tiêu xa vời.