Doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam đang rất mong các thị trường mở cửa trở lại . Trong ảnh: Đào tạo lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh |
Nín thở đợi thị trường mở cửa
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Kim Sơn, Giám đốc Công ty Letco cho hay, thông tin một số thị trường tiếp nhận lao động đã và sắp mở cửa khiến doanh nghiệp và người lao động hết sức phấn khởi.
“Đài Loan đã thông báo tiếp nhận lao động nước ngoài làm việc trở lại từ giữa tháng 2/2022. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo khả năng mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại từ đầu tháng 3/2022, nhưng chưa biết chính xác thời điểm nào, số lượng và yêu cầu ra sao. Hiện chúng tôi đang cử người theo dõi tin tức từ phía Nhật Bản từng giờ một, thường xuyên hỏi thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngay khi nước bạn hướng dẫn là sẽ triển khai ngay”, ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu lao động khác thì lại tỏ ra lo lắng khi cho rằng, Nhật Bản có thể hoãn lại thời điểm tiếp nhận. Nguyên nhân là vào tháng 11/2021, phía Nhật Bản đã định mở cửa trở lại với lao động ngoài nước, nhưng sau đó lại đóng cửa vì dịch diễn biến quá căng thẳng. Tuy vậy, vị đại diện này cũng hy vọng, dịp này phía bạn sẽ sớm mở cửa, vì rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản cũng rất sốt ruột vì tình trạng thiếu lao động, gây sức ép với Chính phủ để sớm mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài.
Hiện Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường tiếp nhận lao động lớn nhất của Việt Nam. Năm 2021, tổng số lao động sang hai thị trường này làm việc chiếm tới 87% tổng số lao động sang nước ngoài làm việc của cả nước.
Đầu tháng 2/2022, cơ quan chức năng Đài Loan đã thông báo việc tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc tại Đài Loan giai đoạn II, kể từ ngày 15/2/2022. Để đưa lao động sang Đài Loan làm việc theo phương án của phía Đài Loan, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch mà phía bạn yêu cầu.
Còn với thị trường Nhật Bản, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức công bố sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh nhập cảnh, trong đó có thực tập sinh Việt Nam, nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000 người từ tháng 3 với một số quy định về phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, tiêm vắc-xin).
- Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS)
Xuất khẩu lao động năm 2022 có thể khởi sắc hơn năm 2021. Hiện nay, các thị trường tiếp nhận lao động đang dần mở cửa trở lại, nếu tình hình thị trường thuận lợi, hoàn toàn có khả năng xuất khẩu lao động năm nay đạt chỉ tiêu 90.000 người.
Tuy vậy, tôi cho rằng, thời gian tới, xuất khẩu lao động không còn tăng mạnh như giai đoạn trước đây nữa. Hiện nay, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 300.000 - 400.000 lao động mới, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 10 năm trước là mỗi năm có thêm khoảng 1,2 triệu lao động mới. Trong khi đó, nhu cầu lao động trong nước cũng rất lớn. Chúng ta thấy hiện nay doanh nghiệp trong nước cũng đang rất thiếu lao động và thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động, người lao động có thêm nhiều lựa chọn.
Trong bối cảnh này, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược về nguồn lực, ngoài ưu tiên đảm bảo nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển trong nước. Còn với xuất khẩu lao động, cần lựa chọn những thị trường lao động chất lượng cao và nâng cao kỹ năng cho người lao động để nâng cao giá trị.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, tuần này (tức đầu tháng 3/2022), phía Nhật Bản sẽ có các hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, bởi rất nhiều lao động đã chờ đợi suốt 2 năm qua mà vẫn chưa được bay.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho hay, không chỉ người lao động sốt ruột, mà doanh nghiệp Nhật Bản cũng sốt ruột. Mới đây, Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) cũng đã gửi đến chính phủ nước này yêu cầu thông báo thời gian mở cửa nhập cảnh, kèm theo các biện pháp phòng dịch triệt để; yêu cầu Chính phủ hỗ trợ chi phí cách ly sau nhập cảnh; yêu cầu mở rộng khung tiếp nhận tạm thời sau khi mở cửa nhập cảnh… Đồng thời, NAGOMi cũng đề nghị các thị trường xuất khẩu lao động như Việt Nam có kiến nghị tới Chính phủ Nhật Bản để nhanh chóng mở cửa thị trường.
“VAMAS đã lấy ý kiến các hội viên và người lao động. Chỉ trong 3 ngày (22-24/2/2022), chúng tôi đã thu thập được hơn 27.300 chữ ký của thực tập sinh và của các công ty xuất khẩu lao động đề nghị Nhật Bản sớm mở cửa thị trường, trong đó có 26.000 chữ ký của thực tập sinh. Nếu thu nhập chữ ký của tất cả doanh nghiệp xuất khẩu lao động là thành viên của Hiệp hội thì con số này phải lên tới 50.000 - 60.000”, ông Diệp cho biết.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong 2 năm qua, có khoảng 10 - 15% người lao động đã được đào tạo, song không thể kiên nhẫn chờ đợi, đã đi làm việc khác. Tuy vậy, lượng lao động tồn đọng trong 2 năm qua vẫn còn khá nhiều. Hơn nữa, các quốc gia trên thế giới cũng mới bắt đầu phục hồi trở lại sau Covid-19, nhu cầu lao động không tăng quá mạnh. Vì vậy, nếu thị trường mở cửa trở lại, nguồn lao động của Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng.
Điều khiến doanh nghiệp mong chờ nhất là các thị trường tiếp nhận sớm công bố lộ trình mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài, mức tiếp nhận, điều kiện tiếp nhận… để doanh nghiệp hoàn thiện công tác chuẩn bị.
Xuất khẩu lao động khó quay lại thời kỳ hoàng kim
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2021, cả nước có hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chỉ hoàn thành một nửa kế hoạch đề ra. Trong đó, thị trường Đài Loan và Nhật Bản chiếm tới hơn 39.000 lao động (87%).
Theo dự báo của các doanh nghiệp, năm 2022, xuất khẩu lao động sẽ khởi sắc hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia xác định sống chung với dịch bệnh. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, năm 2022 vẫn sẽ là năm đầy khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona cho hay, dù Nhật Bản và Đài Loan đã và sắp tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, song nhu cầu không tăng quá mạnh vì nhiều quốc gia vẫn còn khó khăn sau dịch bệnh, may lắm thì cũng chỉ giải quyết được 50% số lao động còn tồn đọng 2 năm vừa qua, việc tuyển mới rất ít. Không chỉ ở thị trường tiếp nhận, mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc duy trì đội ngũ, tạo tâm lý yên tâm cho người lao động.
“Người lao động vẫn còn tâm lý e dè lo lắng, sợ khi sang nước ngoài làm việc, nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng thì lại không có việc làm, nếu nhiễm bệnh thì phát sinh chi phí điều trị… Chính tâm lý hoang mang đó khiến nhiều lao động đắn đo khi nộp hồ sơ. Còn về phía doanh nghiệp, sau 2 năm gần như đóng băng vừa qua, một số cán bộ kỳ cựu cũng đã nghỉ đi tìm việc khác, buộc doanh nghiệp phải tuyển mới. Bên cạnh đó, dịch bệnh ở Việt Nam đang hết sức phức tạp, mỗi ngày có thêm hơn 60.000 ca nhiễm mới cũng gây áp lực không nhỏ trong việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc.
Ngoài thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, thì Trung Quốc cũng là thị trường lao động chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cùng các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng các thị thường khác như Đông Âu, Tây Âu, Nga, Australia, Israel… Việc mở rộng thị trường lao động mới sẽ giúp tăng cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam có nhu cầu đi xuất khẩu, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường có thu nhập cao.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc đối tượng môi giới lừa đảo đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Các đối tượng môi giới chào mời, quảng bá có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc với visa C4 và E8 theo Thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.
Các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền bất chính của người lao động. Đối với người lao động ở địa phương chưa có Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, đối tượng môi giới cũng hứa hẹn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến địa phương đã có Thỏa thuận với Hàn Quốc để thu thêm tiền của người lao động.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, Chương trình đưa lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc được thực hiện theo Thỏa thuận ký giữa địa phương của Việt Nam và địa phương của Hàn Quốc, do vậy, chỉ người lao động của địa phương có ký Thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc mới được tham gia Chương trình.
Đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố ký Thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc về Chương trình này là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam và Cà Mau. Không doanh nghiệp nào được tham gia thực hiện Chương trình này, người lao động cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương để tìm hiểu.