Sau “phát súng” đầu tiên siết nợ khối tài sản đảm bảo hàng ngàn tỷ đồng của Saigon One Tower, mới đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lại thu hồi thêm lô đất trên 51.000 ha của Tập đoàn Hoàn Cầu để xử lý nợ.
Không chỉ VAMC, trong vòng hai tháng qua, hàng trăm tài sản đảm bảo cũng đã được các ngân hàng cấp tập thu giữ và rao bán. Hiện đã có 6 ngân hàng được thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, gồm Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank.
. |
Có thể nói, Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống nhờ sự tích cực của tất cả các bên tham gia.
Nếu trước đây, ngân hàng và VAMC chật vật thu giữ tài sản do vấp phải sự chống đối thì giờ đây, nhiều con nợ đã chấp nhận tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC, cho ngân hàng xử lý. Sự vào cuộc tích cực và đầy trách nhiệm của lực lượng công an, của chính quyền địa phương… cũng khiến việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ diễn ra nhanh chóng hơn.
Đáng mừng hơn cả là đã có những khoản nợ đầu tiên được VAMC mua bằng tiền mặt. Điều này đồng nghĩa, các ngân hàng thương mại đã có ngay một khoản “tiền tươi” để kinh doanh, thay vì nhận về tờ trái phiếu cất ngăn bàn như trước đây.
Mặc dù vậy, với số vốn điều lệ vỏn vẹn 2.000 tỷ đồng, rõ ràng VAMC không thể mua số lượng lớn nợ xấu bằng tiền tươi. Nói cách khác, để xử lý nợ xấu có hiệu quả thực sự, tức ngân hàng có thể thu được tiền thực từ xử lý nợ xấu để đưa vào kinh doanh, tất cả vẫn phải trông chờ vào thị trường mua bán nợ xấu hình thành và đi vào hoạt động.
Hiện tại, nguồn hàng cho chợ nợ xấu bắt đầu nhiều lên, người bán đã có, nhưng người mua vẫn còn hạn chế. Do đó, mấu chốt lớn nhất để xử lý nợ xấu hiện nay là tìm người mua.
Dưới góc độ của các ngân hàng, với những khoản nợ xấu nhỏ, việc đấu giá không quá khó khăn, song với những khoản nợ xấu lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thì việc tìm người mua sẽ không dễ.
Không thể phủ nhận rằng, nhu cầu mua bất động sản nợ xấu của một bộ phận nhà đầu tư là có thật, song điều nhà đầu tư lo ngại nhất là thông tin về hàng hóa, tài sản đảm bảo nợ xấu vẫn chưa minh bạch. Do đó, để hình thành “chợ” mua bán nợ xấu, trước mắt cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, VAMC và các ngân hàng thương mại phải có hệ thống thông tin chi tiết, rõ ràng, minh bạch về từng khoản nợ, bao gồm tình trạng của tài sản đảm bảo, tình trạng pháp lý… Đối với những dự án, nhà máy… thì phải thông tin cụ thể về tình trạng hoạt động.
Thứ hai, cần tăng sức cầu cho thị trường mua bán nợ. Các nhà đầu tư trong nước tuy đông, nhưng tiềm lực hạn chế trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất qua tâm đến thị trường nợ của Việt Nam, song lại vướng quy định về sở hữu.
Nên chăng, cần sớm gỡ vướng quy định về sở hữu nhà ở với nhà đầu tư nước ngoài để nhanh chóng thu hút nguồn lực lớn vào xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, có thể cho phép đối tượng này sau khi mua tài sản đảm bảo bất động sản được ủy quyền lại cho cá nhân, doanh nghiệp trong nước quản lý.
Số nợ xấu mà VAMC nắm giữ hiện rất lớn (khoảng 230.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD), đủ để nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Kinh nghiệm xử lý xử lý nợ xấu của nhiều nước cho thấy, việc hình thành thị trường mua bán nợ không thể không có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài. Hơn nữa, thực tế ở nhiều nước, nhà đầu tư nước ngoài thường mua nợ xấu như một khoản đầu cơ, chứ không muốn “nằm vùng” tại các quốc gia đó.
Thứ ba, về lâu dài, có thể thành lập các sàn giao dịch về nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu để tăng thanh khoản cho thị trường trên cơ sở minh bạch thông tin, đảm bảo giấy tờ pháp lý của từng khoản nợ.
Không dễ hình thành “chợ nợ xấu”, nhưng đáng mừng là thị trường đang phản ứng tích cực. Nếu đầu ra được khơi thông, các ngân hàng sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, hàng chục dự án đắp chiếu cũng sẽ có cơ hội hồi sinh. Nhưng trước khi đạt được các mục tiêu trên, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý cho từng món nợ, minh bạch giấy tờ, công khai thông tin… sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư yên tâm tìm đến với khu chợ đặc biệt này.