Chuyển đổi số - Kinh tế số
Mô hình Fabless, công nghệ MEMS mở ra hướng phát triển mới cho ngành vi mạch bán dẫn
Hoài Sương - 24/09/2024 16:11
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang xây dựng kế hoạch hợp tác, nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyển giao công nghệ… nhằm phát triển ngành vi mạch bán dẫn trong nước.

Thu hút các nhà đầu tư

Với mong muốn góp phần đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn (Semiconductor) nói chung và lĩnh vực vi cơ điện tử hệ thống (MEMS) nói riêng, Siargo Ltd đang xây dựng các kế hoạch hợp tác, nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyển giao công nghệ… với các trường đại học, đối tác trong nước nhằm phát triển thị trường các sản phẩm MEMS.

Ông Tom Nguyễn, Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh của Siargo Ltd chia sẻ tại hội nghị.

Đó là chia sẻ của ông Tom Nguyễn, Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh của Siargo Ltd tại Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) tổ chức mới đây.

Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Siargo đã nghiên cứu thành công và sở hữu 41 bằng sáng chế (US Patent), phát triển hơn 55 dòng sản phẩm cảm biến bằng công nghệ MEMS, cung cấp đến hơn 700 khách hàng ở hơn 80 quốc gia. 

“Do đó, chúng tôi mong muốn đầu tư lâu dài, hợp tác cùng các đối tác để phát triển các sản phẩm cảm biến công nghệ MEMS ứng dụng tại Việt Nam. Đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như chủ trương và quyết tâm của Chính phủ trong giai đoạn tới”, Tom Nguyễn kỳ vọng.

Các sản phẩm cảm biến ứng dụng công nghệ MEMS của Siargo Ltd đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp, ô tô, tự động hóa, y tế, dân dụng (thiết bị đo lưu lượng khí, đồng hồ nước…) và cả trong lĩnh vực bán dẫn.

Trong đó, các sản phẩm cảm biến ứng dụng công nghệ MEMS của Siargo Ltd được sử dụng để kiểm soát, đo lường một cách chính xác, kịp thời các chỉ số về áp suất, lưu lượng, độ ẩm, nhiệt độ… qua đó giúp kiểm soát một cách hiệu quả và tăng cường chất lượng sản phẩm, năng suất trong các hệ thống sản xuất phục vụ xu hướng Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đang định hướng phát triển.

Với mô hình Fabless, gần 50 năm kinh nghiệm và xây dựng 5 doanh nghiệp trong ngành bán dẫn nhưng ông Võ Hữu Hải, Chuyên gia về Fabless và chíp PMIC thất bại với doanh nghiệp được đầu tư tại Việt Nam. Do đó, ông Hải cùng những người bạn từng học tập tại Đại học California Berkeley (UCB) và Stanford đang xây dựng chương trình đào tạo nhanh ở Việt Nam với mục tiêu giáo dục phổ cập ở ngành vi mạch bán dẫn, đào tạo chất lượng cao trình độ cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ (6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng); tạo cơ hội việc làm trong và ngoài nước;  

Những chương trình đào tạo này được biên soạn theo chuẩn tương đương của chương trình đào tạo ngắn của University of California Berkeley (UCB), Stanford. Dự kiến sang đầu năm 2025, chương trình đào tạo bắt đầu được thực hiện.

Cần chính sách hỗ trợ

“Thất bại của Fabless Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó là có câu chuyện Việt Nam hiện chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm trong ngành. Do đó, chúng tôi  mong Chính phủ có nhiều chính sách thu hút quỹ đầu tư", ông Võ Hữu Hải kỳ vọng.

Song song đó, nếu phát triển Fabless, chúng ta phải sử dụng PMIC, analog devices, sensors… cho những sản phẩm được sử dụng trên cả thị trường Việt Nam và thế giới. Đây là thế mạnh rất lớn của doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, ngoài Mỹ, chúng ta có thể liên kết, hợp tác giữa Việt nam và Trung Quốc”, ông Hải cho hay.

Ngoài ra, ông Hải kiến nghị, Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, dù giá trị mang lại không cao nhưng đó sẽ là nền tảng để xây dựng ngành công nghệ điện tử trong nước bởi bán dẫn, công nghệ điện tử, AI, software… có sự liên kết với nhau rất chặt chẽ.

Lực lượng lao động trong ngành vi mạch bán dẫn được nhiều doanh nghiệp quan tâm. (Ảnh: Lê Toàn)

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM, Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Synopsys Vietnam thông tin, sản xuất vi mạch bán dẫn là một chuỗi cung ứng giữa nhiều quốc gia. Một đặc thù trong ngành vi mạch bán dẫn là sự phân công và chưa có một quốc gia nào có sự tự chủ hoàn toàn, kể cả Mỹ.

Vậy cơ hội nào cho Việt Nam? Việc Chính phủ quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 hay trong làn sóng đầu tư vi mạch, có 3 làn sóng đầu tư chính, đến từ doanh nghiệp Việt kiều, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện tại có thêm làn sóng đầu tư từ Đài Loan, dự kiến sắp tới sẽ là Trung Quốc.

Trong khi đó, số lượng kỹ sư trong ngành vi mạch bán dẫn tăng rất đều, hàng năm đều ghi nhận tăng từ 10-15%. Đây là ngành cực kỳ tiềm năng, mang lại thu nhập cao cho người gắn bó, với các bạn trẻ, càng có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng… mức lương sẽ tăng trưởng theo thời gian. Đặc biệt, có những nhân sự thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm. 

“Đây là “cơ hội ngàn năm có một” và đang hội tụ đủ cơ hội nên chúng tôi đề xuất phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm và là yếu tố quyết định trong giai đoạn tới. Đồng thời chúng tôi đề xuất hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”, ông Vinh cho biết.

Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chia sẻ: “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong đó, Khu công nghệ cao đã đóng góp ý kiến về đào tạo 50.000 kỹ sư. 

Hiện con số này chỉ đạt 5.000. Trong khi đó, ngành vi mạch bán dẫn muốn đột phá thì số lượng nguồn nhân sự chất lượng cao phải cần gấp 10 lần. Dù các tổ chức, doanh nghiệp cho rằng con số này rất thách thức nhưng theo tôi, chúng ta không còn cách nào khác và chúng ta có thể thực hiện được.”

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách đột phá, đặc biệt cho các ngành công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng như: Hỗ trợ tiền đầu tư, thuế, tiếp cận đất đai, nguồn nước, điện, mạng viễn thông…; đẩy mạnh ngoại giao bán dẫn, thu hút thêm vốn FDI thông qua việc học tập kinh nghiệm và hợp tác việc chuyển giao công nghệ… Đặc biệt, cần phát triển công nghiệp điện tử, tin học và trí tuệ nhân tạo nội địa. Đây là ba sản phẩm đầu cuối quan trọng cho ngành bán dẫn.

Tin liên quan
Tin khác