Thưa ông, sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, vai trò của mô hình các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) đã được khẳng định như thế nào?
Có lẽ, đến giờ phút này không còn phải bàn cãi về vai trò và những đóng góp to lớn của các KKT, KCN đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam. Chẳng hạn, các KCN, KKT đã góp phần vào đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, là “thỏi nam châm” thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sản xuất - kinh doanh.
Chỉ riêng vốn đầu tư thứ cấp, con số lũy kế đã vào khoảng 160 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Một con số khác, chỉ tính riêng năm 2016, các KCN, KKT ven biển đã nộp ngân sách nhà nước 110.000 tỷ đồng, đóng góp 96 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước…
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý Các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Điều tôi muốn nhấn mạnh, tại một số địa phương, các KCN, KKT đã từng bước trở thành động lực tăng trưởng, nhờ đó, Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn.
Cụ thể là thế nào, thưa ông?
Việt Nam đã tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa với xuất phát điểm của một nền kinh tế có ngành nông nghiệp lạc hậu và công nghiệp thì sản xuất ở quy mô nhỏ. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã khác.
Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài đã mang tới Việt Nam nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, nhiều KCN, KKT đã thu hút được số lượng không nhỏ các dự án đầu tư trong lĩnh vực này, như dự án sản xuất thiết bị di động và gia dụng của Samsung; hay dự án sản xuất máy chuyển nước biển thành nước ngọt của Doosan (Hàn Quốc) tại KKT Dung Quất; dự án lắp ráp, sản xuất chip điện tử của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM…
Nhờ các dự án này, sản xuất công nghiệp đã chuyển dần từ quy mô nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, tập trung. Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn hình thành trong các KCN, KKT, như Lọc dầu Dung Quất ở KKT Dung Quất, nhà máy thép Posco (Hàn Quốc) tại KCN Phú Mỹ I…
Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất cũng có những thay đổi, từ mô hình các cơ sở sản xuất riêng lẻ sang xuất hiện các cụm sản xuất tập trung với sự liên kết cao, điển hình như: Tổ hợp sản xuất dệt sợi - nhà máy điện của Formosa tại KCN Nhơn Trạch III (Đồng Nai), hay các tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung...
Bởi thế, với việc hình thành các KCN, KKT, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực mũi nhọn, ví như sản xuất thiết bị di động, dầu khí, thép, đóng tàu với tiền đề là các dự án quy mô lớn đang được đầu tư tại các KCN, KKT.
Ông vừa nhắc tới KKT Dung Quất, vai trò của KKT này đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội khu vực duyên hải miền Trung như thế nào?
Nói đến duyên hải miền Trung không thể chỉ nhắc tới KKT Dung Quất, bởi khu vực này tập trung rất nhiều KKT, KCN lớn. Ngoại trừ KKT Nam Phú Yên đang hình thành, thì các KKT còn lại đã có những đóng góp quan trọng trong thu hút đầu tư vào các tỉnh duyên hải miền Trung. Rất nhiều dự án quy mô lớn đã được đầu tư vào đây, và như tôi đã nói, nhiều dự án đã có vai trò dẫn dắt, động lực.
Trong định hướng ưu tiên, nhiều KKT trong khu vực này đã được Chính phủ xác định ưu tiên vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng. Để các KKT, KCN ở đây phát triển mạnh mẽ hơn, điều quan trọng là làm sao thu hút được các dự án đầu tư lớn, không chỉ vào hạ tầng, mà còn là các dự án đầu tư thứ cấp quy mô lớn. Kinh nghiệm phát triển cho thấy, các ngành kinh tế đều phụ thuộc vào sự trỗi dậy của các doanh nghiệp chủ chốt. Một khi thu hút được các dự án lớn, có vai trò động lực thì các KKT, KCN phát triển, kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng cũng phát triển.
Ở đây, tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh, nếu có liên kết thu hút đầu tư giữa các KCN, KKT vùng duyên hải miền Trung, tôi tin khu vực này sẽ bứt phá rất nhanh.
Dù là mô hình ưu việt nhưng cũng không tránh khỏi hạn chế. Tới đây, mô hình KCN, KKT, đặc biệt là các KKT sẽ được định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?
Để phát huy hơn nữa vai trò của các mô hình KCN, KKT trong giai đoạn mới, việc nghiên cứu mô hình mới với những thuận lợi, khắc phục những tồn tại, hạn chế là cần thiết. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 29/2008/NĐ-CP về KCN, KCX và KKT và đã đề xuất phát triển các mô hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, với việc cho phép xây dựng nhà xưởng cao tầng, có cơ chế tạo sự cộng sinh, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN sinh thái… góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của mô hình này.
Xa hơn nữa, chúng tôi đã tính tới việc dành ưu đãi đầu tư vượt trội cho các mô hình KKT, KCN mới, đồng thời mở rộng tối đa các lĩnh vực đầu tư... Chủ trương xây dựng các đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt ở Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc cũng đã có và đang trong giai đoạn soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Với các ưu đãi mang tính đột phá, cạnh tranh quốc tế, tôi tin là mô hình này sẽ được triển khai thành công ở Việt Nam, góp phần quan trọng tạo động lực cho kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển...