Tài chính - Chứng khoán
Mô hình nào cho các trung tâm tài chính tại Việt Nam?
Hương Ngọc - 25/04/2021 10:29
Muốn xây dựng một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế để giúp nâng tầm đất nước, Việt Nam phải có những phương án xây dựng khác biệt với các trung tâm khác trên thế giới.
TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng trung tâm tài chính. Ảnh: Đức Thanh

Lợi thế của Việt Nam

Phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam phải được bắt đầu ngay trong năm nay bằng cách thuê tư vấn và xây dựng kế hoạch chi tiết để báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị. “Một trung tâm tài chính quốc tế sẽ thu hút vốn quốc tế và tăng nguồn thu cho Chính phủ. Việc xây dựng một trung tâm tài chính đẳng cấp tại Việt Nam sẽ là một ưu tiên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bốn thập kỷ trước, GDP của quần đảo nhỏ Cayman ở Caribê gần bằng 0, nhưng sau khi thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại đây, dòng tiền luân chuyển qua Cayman đã lên tới 2.000 tỷ USD/ngày. Là một lãnh thổ hải ngoại của Anh, Cayman hiện thu hút khoảng 80% quỹ đầu cơ toàn cầu, ngay cả khi các nhà quản lý quỹ đầu cơ thực tế hầu như chỉ làm việc ở New York hoặc London.

Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, từ địa lý đến dân số, mối quan tâm của các tổ chức tài chính quốc tế…, để trở thành quốc gia điểm đến cho thị trường tài chính quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong múi giờ khác với 21 trung tâm tài chính khác trên toàn cầu. “Nếu có trung tâm tài chính quốc tế nào khác trong cùng múi giờ được thành lập trước Việt Nam tức là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Việt Nam cũng nằm trong tọa độ vàng của khu vực. Nếu tính từ TP.HCM, chỉ cần 3 giờ đồng hồ là đã có thể đến toàn khu vực ASEAN và Đông Bắc Á. TP.HCM cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hiện có hơn 2.100 tổ chức ngân hàng, tín dụng và 50 văn phòng đại diện của các ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài.

Với việc tham gia sâu và rộng hơn nền kinh tế toàn cầu bằng các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã được ký kết, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nền kinh tế mới nổi, đón đầu xu thế dịch chuyển sản xuất từ các nước khác vào Việt Nam. Sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện cũng là lợi thế cạnh tranh nổi bật của Việt Nam so với các thị trường khác.

Cuộc chơi ấm dần

Cuối tháng 3/2021, liên doanh giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) của Việt Nam và một số tập đoàn nước ngoài (gồm Steelman Partners - công ty kiến trúc quốc tế của Mỹ và là nhà đầu tư tham gia Dự án The Grand Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Cantor Fitzgerald - công ty dịch vụ tài chính của Mỹ; Weidner Resorts - Gaming Assset Management - “ông trùm” casino có trụ sở tại Mỹ) đã được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý ký kết thỏa thuận tài trợ việc lập Đề án Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG, nếu “đại bàng chúa” casino là Weidner Resorts - Gaming Assset Management đầu tư vào Việt Nam, thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 2%. Ông William Weidner, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Weidner Resorts - Gaming Assset Management đã huy động vốn để thực hiện kế hoạch phát triển dự án ở châu Á, mà trước hết là đề án xây dựng trung tâm tài chính và khu nghỉ dưỡng tích hợp ở Đà Nẵng.

Ông William Weidner, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Gaming Asset Management cũng bày tỏ lạc quan trước dự án xây dựng trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. Theo ông, Tập đoàn Global Gaming Asset Management còn quan tâm tới việc có thể tiếp tục mời gọi thêm hàng tỷ USD đầu tư vào Việt Nam khi thiết lập những trung tâm tài chính khác. 

TP.HCM cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng trung tâm tài chính. Trong tháng 3/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại đây. Theo ông Phong, trung tâm tài chính quốc tế là biểu tượng của một quốc gia phát triển và hội nhập, tác động tích cực tới nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế.

Mô hình nào cho Việt Nam?

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, cần tìm ra các phương pháp tiếp cận thích hợp để sớm hiện thức hoá giấc mơ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. “Hơn 20 năm qua, TP.HCM được định hướng là trung tâm tài chính cấp quốc gia và khu vực, nhưng vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm. Vì vậy, cần xem xét kỹ các phương pháp tiếp cận và tìm ra kế hoạch khả thi, có thể khác các hình mẫu trung tâm tài chính trước đây”, ông Tự Anh nói.

Trong khi đó, ông Don Lambert, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu quan điểm, năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng của Việt Nam phụ thuộc vào việc Việt Nam quy hoạch phát triển loại hình trung tâm tài chính quốc tế nào và liệu Việt Nam có tập trung vào việc thu hút tài chính cho các nhu cầu phát triển và hạ tầng với trọng tâm dài hạn và mở rộng sang các nước khác ở vùng sông Mekong không.

“Đây là một tầm nhìn thực tế trong khả năng của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Nếu tập trung vào một lĩnh vực nào đó rộng hơn, thì cần phải có sự tự đánh giá trung thực về những gì Việt Nam mang lại so với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và trên toàn cầu”, ông Lambert chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

The ông Lambert, ưu tiên hàng đầu là phải xây dựng được một chiến lược rõ ràng và thuyết phục cho việc hình thành trung tâm tài chính, một chiến lược mà trong đó chỉ rõ các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các trung tâm tài chính hiện có trong khu vực và quốc tế. “Các ưu tiên của Chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược này sẽ như thế nào và nếu không có được tầm nhìn hợp lý, Chính phủ có thể sẽ chỉ thu hút được số lượng ít doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm tài chính,” ông Lambert nói.

Ông Lambert chia sẻ thêm, các nhà đầu tư nói chung rất quan tâm đến Việt Nam. Họ coi Việt Nam là một đất nước ổn định, phát triển nhanh với tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng. Nếu trung tâm tài chính được cấu trúc để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng đầu tư của họ vào Việt Nam, thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn.

 

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Tận dụng kinh nghiệm quốc tế

Ông Patrick Lenain, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)

Ngoài New York và London, các thị trường tài chính lớn nhất đều nằm ở châu Á - Thái Bình Dương như Hồng Kông, Singapore, Tokyo, Sydney, Bắc Kinh, Thượng Hải... Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể học được gì?

Thứ nhất, một môi trường thân thiện với doanh nghiệp là cần thiết. Các tổ chức tài chính cần tương tác với một chính phủ nhạy bén, có thể xử lý hiệu quả các yêu cầu cấp phép và các thủ tục khác của họ.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi giao dịch với các giám sát viên có kinh nghiệm, có thể đảm bảo sự ổn định tài chính, bảo vệ danh tiếng của thị trường và thực thi pháp quyền.

Thứ ba, hạ tầng hoạt động tốt là rất quan trọng, như sân bay, đường cao tốc, phương tiện công cộng và kết nối kỹ thuật số tốc độ cao.

Cuối cùng, nhân lực là chìa khóa. Các ngân hàng cần tuyển nhiều lao động được đào tạo tốt, có kỹ năng về tài chính, kế toán, pháp lý, tin học.

Một số yếu tố quan trọng cần xem xét

Ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Boston Consulting Group Việt Nam

Hiện chính là thời điểm tốt để TP.HCM và Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực trong 5 năm tới. Tuy nhiên, có một số yếu tố quan trọng cần xem xét để triển khai thành công.

Thứ nhất, cần có chiến lược rõ ràng và chuyên môn hóa các dịch vụ tài chính. Các trung tâm tài chính của Việt Nam cần có một tầm nhìn rõ ràng về các dịch vụ sẽ cung cấp và điều gì làm cho Việt Nam thực sự hấp dẫn so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới.

Thứ hai, Việt Nam cần có một kế hoạch triển khai đầy tham vọng, nhưng phải thực tế. Việt Nam cần xác định rõ lộ trình phát triển và các mốc quan trọng để chuyển đổi từ một nền kinh tế mới nổi thành trung tâm trong khu vực và có khả năng vươn tới giai đoạn trung tâm tài chính toàn cầu.

Cuối cùng, các yếu tố thành công then chốt của trung tâm tài chính cần được giải quyết triệt để, như sự thân thiện với doanh nghiệp và nhà đầu tư, sự sáng tạo và tri thức, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng phát triển, tiềm lực tài chính, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan.

Chúng tôi tin tưởng khả năng của chính quyền Việt Nam

Ông Luke Treloar, Giám đốc điều hành Khối Tư vấn chiến lược (KPMG Việt Nam)

Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã chứng tỏ năng lực mạnh mẽ trong việc đổi mới và có những giải pháp hiệu quả để đối phó với các thách thức. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của chính quyền Việt Nam không ngừng vươn lên trước thách thức. Chúng tôi cũng tin tưởng vào sự sẵn sàng hợp tác của các tổ chức tài chính quốc tế với Việt Nam trong phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Việc thành lập một trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp thúc đẩy lòng tin và sự minh bạch, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính sẽ được các nhà đầu tư quốc tế hoan nghênh.

Cộng đồng doanh nghiệp quốc tế là thành phần chính yếu nhất quyết định sự thành công của trung tâm tài chính quốc tế. Việt Nam cần hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các nghiên cứu điển hình thành công của các trung tâm tài chính mới nổi như Singapore, Hồng Kông, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

 

Tin liên quan
Tin khác