Đại lộ Kỳ Đồng, TP. Thái Bình. |
Thái Bình là một tỉnh “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.
Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho Thái Bình thông qua hoạt động “lấn biển” là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hết sức quan tâm khi góp ý cho bản dự thảo, tại phiên họp của Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh hôm qua (17/8).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, bản quy hoạch cần nêu bật được các động lực phát triển mới, không gian phát triển mới để đưa Thái Bình phát triển bứt phá.
Theo phân tích của đơn vị tư vấn, Thái Bình nằm trong Hành lang kinh tế phía Đông, mặt tiền hướng ra biển của vùng Đồng bằng sông Hồng, với chuỗi liên kết các hoạt động kinh tế gắn biển như công nghiệp chế tạo, năng lượng, dịch vụ vận tải biển, du lịch, thủy sản, khai thác tài nguyên biển...
Là tỉnh đi sau, chịu tác động lan tỏa của các trung tâm kinh tế biển mạnh là Quảng Ninh, Hải Phòng, cùng với quá trình tăng cường nâng cấp hạ tầng kết nối ven biển, Thái Bình có nhiều dư địa để khai thác trong vai trò là một trung tâm mới thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ mới, hỗ trợ và kết nối các hoạt động chung của toàn vùng hướng mạnh vào các hoạt động kinh tế biển.
Hiện tại, Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình địa chất, khu vực mặt nước ven biển của tỉnh rất thuận tiện để khai thác, đưa vào sử dụng cho các mục đích khác. Dự kiến, trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long, Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ...
Dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu khu vực công nghiệp hoàn thành chuyển dịch từ mô hình dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng lao động sang các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Khu kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới.
Quy hoạch cũng lưu ý vấn đề môi trường, khi đề ra chỉ tiêu các khu công nghiệp, đô thị phát triển theo hướng sinh thái, xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. “Nhắc đến Thái Bình, phải nói đến sứ mệnh lớn là đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực của cả nước, nhưng phát triển nông nghiệp thì không thể giàu có, không thể phát triển nhanh được. Tuy nhiên, lấn biển, giảm diện tích các khu bảo tồn là vấn đề lớn cần làm rõ và phải có luận cứ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Vũ Trung (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lấn biển là xu thế tất yếu, tự nhiên của Thái Bình, tốc độ lấn biển hiện nay đạt khoảng 30 m/năm. “Để Thái Bình phát triển nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực thì là phải lấn biển. Việc lấn biển, hình thành các khu công nghiệp ven biển sẽ giúp kết nối với TP. Hải Phòng thông qua tuyến đường ven biển”, ông Trung nói.
Ông Trung quả quyết, nếu không lấn biển là đi ngược xu thế tự nhiên, xu thế phát triển. Song ông cũng lưu ý cần phân tích rõ khả năng bồi tụ phù sa để có lộ trình lấn biển phù hợp.
Về mặt pháp luật, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu 5 - 10 năm trước, mong muốn lấn biển bị hạn chế bởi không gian chính sách, thì trong thời kỳ quy hoạch lần này, Thái Bình đang có những thuận lợi hơn, khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét có nghiên cứu rất kỹ vấn đề này.