Ô tô - xe máy
Mở lối cho xe xanh
Thanh Hương - 12/06/2021 11:31
Việt Nam có hơn 1.000 ô tô điện hóa được đăng ký, với trào lưu phát triển mạnh các dòng xe thân thiện với môi trường, việc xây dựng chính sách dẫn lối đang trở nên cần thiết.
Hiện xe bus chở khách công cộng là dòng xe thân thiện với môi trường duy nhất được miễn lệ phí trước bạ      Ảnh: Thanh Hương

Tương lai vẫy gọi

Chỉ trong 12 tiếng đầu tiên nhận đặt cọc đăng ký với mẫu xe điện VF e34, Công ty Sản xuất và kinh doanh VinFast (VinFast) đã nhận được tiền đặt cọc cho 3.692 chiếc xe. Đây không chỉ là kỷ lục về đặt cọc với một mẫu xe ô tô chưa được ra mắt, mà còn biểu hiện cho tâm lý háo hức chờ mong được sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

- HEV: xe điện hybid hay xe lai - dùng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu là xăng hoặc dầu diesel. Động năng dư thừa trong quá trình giảm tốc, phanh, xuống dốc sẽ được chuyển hóa thành điện năng cho xe sử dụng.

- PHEV: xe điện hybid sạc ngoài hay xe lai sạc ngoài - chạy bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài, có tích hợp động cơ đốt trong để sử dụng trong trường hợp nguồn điện trên xe suy giảm.

- BEV: xe điện hoàn toàn hay xe thuần điện - chạy hoàn toàn bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài.

- FCEV: xe điện pin nhiên liệu - sử dụng khí hydro từ bình nén trộn với oxy lấy từ không khí để tạo ra điện chạy xe.

Khi nghiên cứu về cơ chế chính sách cho xe điện thân thiện với môi trường, Bộ Tài chính mới đây cho rằng, theo khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ), có tới 33% người tiêu dùng Việt Nam khi được hỏi đều trả lời họ sẽ mua xe ô tô điện chạy pin ngay từ lần đầu ra mắt.

Cùng với dân số trẻ, tốc độ kết nối Internet mạnh, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh cao, Việt Nam được đánh giá là thị trường hứa hẹn cho xe điện.

Dẫu vậy, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe điện hóa được đăng ký ở Việt Nam hiện chưa nhiều, luỹ kế mới đạt hơn 1.000 chiếc tính tới hết năm 2020, trong khi con số này ở Thái Lan lớn gấp tới 35 lần.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam, xe ô tô điện chạy bằng pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ, hiện chỉ có VinFast đầu tư sản xuất xe điện. “Công suất lắp ráp xe ô tô điện chạy pin của VinFast đang là 250.000 xe/năm và có thể dễ dàng nâng lên mức 500.000 - 1 triệu xe/năm. Hiện tại, VinFast tập trung vào dòng ô tô điện chạy pin từ 9 chỗ ngồi trở xuống và xe bus điện nhiều hơn 24 chỗ.

Các thương hiệu ô tô khác đã và đang sản xuất, kinh doanh dòng xe điện hóa trên thế giới cũng bước đầu thâm nhập thị trường Việt Nam.

Tại Thông báo của Văn phòng Chính phủ mới đây liên quan đến kiến nghị về chính sách khuyến khích sản xuất, kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện môi trường, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện.

Với mục tiêu giảm phát thải khí CO2 và tiết kiệm nhiên liệu, cải thiện chất lượng không khí và phát triển ngành công nghiệp ô tô bắt kịp với xu hướng xe điện hóa của thế giới, câu chuyện chính sách cho xe thân thiện với môi trường đang được VAMA cho là rất cần thiết.

Dẫn chứng cho thực tế cần có chính sách và sự hỗ trợ của Chính phủ để ngành ô tô phát triển chính là việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong nửa cuối năm 2020. Theo thống kê của VAMA, do có nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, thị trường trong nước có những khó khăn, số lượng sản xuất và tiêu thụ xe ô tô trong nửa đầu năm giảm gần 40% so với năm 2019. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2020 đã giúp tăng trưởng bán xe tới 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Cả năm 2020, đã có 296.634 xe được bán ra, không thua kém là bao so với 321.811 xe được bán ra của năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách để thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường, mà đáng chú ý là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lệ phí trước bạ.

Cụ thể, xe ô tô điện chở người dưới 9 chỗ được áp dụng thuế suất thuế TTĐB là 15% (tức là giảm 10% so với xe cùng số chỗ nhưng dùng nhiên liệu xăng dầu theo quy định của Luật số 70/2014/QH13); loại từ 10-16 chỗ ngồi được áp thuế suất 10% (giảm 5% so với xe cùng loại chạy xăng dầu) và loại từ 16 đến dưới 24 chỗ được áp thuế suất 5% (giảm 5% so với xe cùng loại chạy xăng dầu).

Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 cũng quy định thuế suất thuế TTĐB với xe thân thiện môi trường chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng xe sử dụng thì được hưởng mức thuế suất bằng 70% cho xe có dung tích cùng loại.

Với ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, mức thuế suất thuế TTĐB chỉ còn 50% so với xe có cùng dung tích chủng loại.

Ở câu chuyện lệ phí trước bạ, hiện cũng chưa có chính sách nào áp dụng cho các dòng xe thân thiện với môi trường, trừ duy nhất xe bus chở khách công cộng là được miễn mức lệ phí này.

So sánh với thế giới, Bộ Tài chính và VAMA đều chỉ ra rằng, chính sách ưu tiên cho xe thân thiện với môi trường của Việt Nam vẫn chưa theo kịp quốc tế.

Đề xuất ưu đãi thuế: Bộ chỉ “chấm” BEV; VAMA đề nghị mọi xe xanh

Dẫu vậy, câu chuyện ưu đãi cho xe thân thiện với môi trường tại Việt Nam đang có sự xung đột trong việc xác định chủng loại xe giữa các hãng xe lớn trên thế giới đang hiện diện tại Việt Nam với cơ quan được giao nghiên cứu chính sách, mà ở đây là Bộ Tài chính.

Hiện Bộ Tài chính và VAMA đều thống nhất có 4 loại xe thân thiện với môi trường gồm HEV, PHEV, BEV và FCEV.

Tuy nhiên. Bộ Tài chính cho rằng, hai loại HEV và PHEV sạc ngoài, di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong, song song tận dụng các lợi ích từ cụm truyền động điện gồm một mô tơ điện với pin, trong khi BEV với cấu tạo tối giản, chạy quãng ngắn, có thể tiếp cận nguồn điện ở mọi nơi, có lợi thế lớn trong đô thị. Đối với xe FCEV, Bộ Tài chính cũng cho rằng, dù có ưu thế hơn BEV khi thời gian sạc ngắn, nhưng việc sản sinh ra nước khiến xe FCEV chỉ phù hợp với các quốc đảo, các khu vực khô cằn, chứ không phù hợp với các đô thị.

Vẫn theo Bộ Tài chính, 3 loại xe HEV, PHEV và FCEV đều sử dụng xăng, khí, nên gây ảnh hưởng đến môi trường hơn xe BEV.

Cũng bởi các căn cứ này, Bộ Tài chính dự tính đề xuất, chỉ ưu đãi về thuế TTĐB và lệ phí trước bạ cho xe BEV.

Cho rằng, chỉ xe BEV là chưa đủ, VAMA với các thương hiệu ô tô hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô quốc tế đã đề nghị một sân chơi dành chung cho 4 loại xe thân thiện với môi trường đang được thế giới công nhận và được gọi chung là “điện khí hoá” với mức ưu đãi cụ thể cho từng loại.

Lý giải cho đề xuất này, VAMA cho hay, cần phải nhìn xe ô tô trong cả chuỗi tiêu thụ năng lượng, chứ không chỉ đơn thuần tách riêng việc dùng xe ô tô.

Trong chuỗi tiêu dùng nhiên liệu và ô tô này, xe động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo phát thải khí CO2 từ lúc chế biến nhiên liệu, vận chuyển và phân phối nhiên liệu cho đến quá trình sử dụng xe (Well-to-Wheel).

Còn xe BEV tuy tạo phát thải CO2 bằng 0 trong quá trình sử dụng (Tank-to-Wheel), nhưng lại phát thải CO2 nhiều hơn so với xe động cơ đốt trong do quá trình từ lúc khai thác nhiên liệu đến khi cung cấp năng lượng cho xe (Well-to-Tank) phải thêm công đoạn sản xuất ra điện (đối với xe động cơ đốt trong hoàn toàn không có).

“Xét về bảo vệ môi trường, xe FCEV có lẽ là lựa chọn tốt nhất vì khi tiêu thụ nhiên liệu, nó chỉ tạo ra nhiệt và nước mà thôi. Tiếp đến có thể là BEV hoặc HEV/PHEV tùy thuộc vào cơ cấu nguồn điện. Nếu năng lượng tái tạo được sử dụng chủ yếu trong sản xuất điện, thì BEV sẽ là lựa chọn tốt hơn. Nếu nhiên liệu hóa thạch được sử dụng nhiều trong sản xuất điện thì BEV chỉ tốt hơn một chút, thậm chí còn không tốt bằng HEV và PHEV khi xét trên lượng khí nhà kính phát thải của cả quá trình Well-to-Wheel”, Phó chủ tịch VAMA, ông Hiroyuki Ueda nhận xét. 

Tại Việt Nam, trong hơn 1.000 xe thân thiện với môi trường đã được đăng ký, thì HEV và PHEV hiện là 99% và BEV chỉ có 1%. Điều này là do hạ tầng cho xe điện chưa sẵn sàng.

Một vấn đề khác cũng được VAMA lưu ý là, việc xem xét hạ tầng cho tái chế pin của BEV để bảo vệ môi trường và tái sử dụng được các nguồn tài nguyên khác mà các hãng xe đang làm ở nhiều nước phát triển.

Với hướng này, VAMA cũng đề xuất bộ giải pháp tổng thể để thúc đẩy sự phát triển xe điện hoá. Theo đó, các cơ quan hữu trách sẽ xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe điện hóa tại Việt Nam, cụ thể là HEV, PHEV, BEV và FCEV.

Với chính sách thuế TTĐB cho xe thân thiện môi trường, VAMA cũng cho rằng, nên ưu đãi áp dụng cho từng dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV, FCEV) căn cứ vào mức phát thải CO2 theo hướng xe BEV, FCEV sẽ có thuế suất thấp nhất; còn dòng HEV, PHEV sẽ có thuế suất cao hơn so với BEV, FCEV. Về dài hạn, ưu đãi sẽ tăng dần cho BEV và FCEV và giảm dần cho HEV và PHEV để khuyến khích sử dụng BEV và FCEV phù hợp với lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe điện.

VAMA cũng đề nghị giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa, sản xuất xe điện hóa tại Việt Nam được ưu đãi về thuế môi trường…

“Với tình hình giao thông hiện nay và với việc hiện còn thiếu các trạm sạc điện cho ô tô, cũng như cân nhắc cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam khi nguồn cung điện chủ yếu đến từ nhiên liệu hóa thạch với mức phát thải CO2 cao chiếm khoảng một nửa lượng điện sản xuất ra, trong khi điện từ năng lượng tái tạo lại chiếm một phần nhỏ mà lại được coi là không ổn định, Chính phủ nên cân nhắc dòng xe điện hóa nào là phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đạt được mục tiêu giảm phát khí thải và bảo vệ môi trường, cũng như phát triển được ngành công nghiệp ô tô”, đại diện VAMA nhận xét.

Tin liên quan
Tin khác