Tiến độ thực hiện thu phí tự động không dừng được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới. |
Trần pháp lý mới
“Chúng tôi đang rất kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành quyết định thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ - TTg ngày 27/3/2017 về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng trong tháng 6/2020. Đây là cơ sở pháp lý mới, giúp sửa lỗi và đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc”, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chia sẻ.
Theo ông Thành, tại cuộc họp mới nhất về sửa đổi những bất cập trong Quyết định 07 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, hầu hết ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành đều đồng thuận rất cao với đề xuất của Bộ GTVT.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2020, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 3061/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định thay thế Quyết định số 07 sau khi gửi xin ý kiến tới các nhà đầu tư BOT, các nhà cung cấp dịch vụ, 17 địa phương có trạm thu phí sử dụng đường bộ; các bộ, ngành liên quan.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau 2 năm triển khai (có hiệu lực từ ngày 15/5/2017), Quyết định số 07 đã thống nhất được về công nghệ, trình tự tổ chức và lộ trình thực hiện, chấm dứt tình trạng đầu tư tự phát, kém hiệu quả trước đây. Đồng thời, việc triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng đã bước đầu tạo thuận lợi cho người sử dụng, tăng cường tính minh bạch tại các dự án BOT đường bộ.
“Tuy nhiên, do các dự án thu phí tự động không dừng là hình thức đầu tư mới, phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa có kinh nghiệm, nên Quyết định số 07 còn khá nhiều tồn tại, vướng mắc cần được chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn”, ông Thọ cho biết.
Trong số các yêu cầu đặt ra cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 07, đáng chú ý là việc phải quy định chi tiết, rõ ràng một số vấn đề về hệ thống thu phí tự động không dừng để tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế linh hoạt trong quá trình triển khai, hài hòa được lợi ích của các bên; bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Tại dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 07, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép nới tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT đường bộ. Cụ thể, nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ phải thực hiện thu phí tự động không dừng chậm nhất là đến ngày 31/12/2020, thay vì 31/12/2019 như yêu cầu tại Quyết định số 07. Đối với các dự án BOT mới đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ được phép thu phí hoàn vốn sau khi đã lắp đặt và vận hành suôn sẻ làn thu phí không dừng.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng trao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào điều kiện cụ thể để xem xét quyết định việc duy trì tối thiểu mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp hoặc 1 làn thu phí một dừng trên mỗi chiều lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, việc triển khai thu phí tự động không dừng tại tất cả các làn là không khả thi do số lượng chủ phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 800.000/3,5 triệu phương tiện. Trong đó, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt khoảng 30%. Nếu không có thời gian chuyển tiếp sẽ gây lãng phí và ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí BOT.
“Để giải quyết tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, các trạm sẽ phân làn từ xa, xe nào không dán thẻ mà cố tình đi vào làn này sẽ bị phạt nghiêm theo Nghị định 100/2019/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngoài việc bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với người lái xe không đủ điều kiện để thu phí tự động đi vào làn thu phí tự động tại các trạm thu phí, tài xế vi phạm còn bị tước bằng lái từ 1-3 tháng”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.
Tăng sự chủ động cho doanh nghiệp BOT
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 07 là, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất cho phép doanh nghiệp dự án BOT đường bộ được tự đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí để kết nối với trung tâm dữ liệu của nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng trên cơ sở sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động.
“Đề xuất này là rất quan trọng khi vừa gia tăng sự chủ động của nhà đầu tư BOT, nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí mà loại bỏ được những xung đột gay gắt giữa nhà đầu tư BOT đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hội Các nhà đầu tư đường bộ Việt Nam đánh giá.
Được biết, Quyết định số 07 quy định, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, yêu cầu nhà đầu tư BOT bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ. Trong quá trình triển khai Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I (BOO1), nhiều nhà đầu tư BOT cho rằng, họ có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để tự thiết lập hệ thống thu phí tự động, sau đó kết nối với hệ thống back-end của nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch và đảm bảo tính liên thông.
“Nhiều nhà đầu tư BOT cho rằng, quyền thu phí và trạm thu phí là tài sản của họ đã được thế chấp tại ngân hàng cho vay vốn nên không thể bàn giao cho nhà cung cấp dịch vụ. Đây là vướng mắc khiến nhiều dự án BOT không tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp trong suốt thời gian vừa qua”, ông Chủng cho biết.
Để hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí, tại dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 07, Bộ GTVT đề xuất chi phí dịch vụ thu phí tự động không dừng của nhà cung cấp dịch vụ sẽ được trích trực tiếp từ doanh thu thu phí của các dự án BOT đường bộ. Trường hợp việc trích chi phí cho dự án thu phí không dừng không đảm bảo tính khả thi theo phương án tài chính, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm thu phí sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để hoàn vốn. Đổi lại, nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bồi hoàn cho nhà đầu tư BOT các khoản thất thu do lỗi của đơn vị cung cấp dịch vụ.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC - doanh nghiệp Dự án BOO1 cho biết, nguyên nhân lớn nhất khiến dự án chậm tiến độ là do gặp nhiều khó khăn trong đàm phán ký phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, đặc biệt là tỷ lệ trích doanh thu thu phí.
“Đến nay, dù VETC đã cơ bản lắp đặt xong thiết bị tại 40 trạm, nhưng mới có 17/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng dịch vụ. Ngay tại những trạm đã ký, tỷ lệ chủ phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 800.000/3,5 triệu phương tiện. Trong đó, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt khoảng 30%. Đến nay, VETC thua lỗ nặng với tổng cộng 300 tỷ đồng sau 5 năm hoạt động”, ông Vinh cho biết.
Liên quan đến trách nhiệm người sử dụng phương tiện, dự thảo quy định, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quý. Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ mà tài khoản không có, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện. Chủ phương tiện có nghĩa vụ nộp tiền hoàn trả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Hết thời hạn này, nhà cung cấp dịch vụ sẽ từ chối cung cấp tiếp dịch vụ và khởi kiện đối với chủ phương tiện chây ì.
Để tạo thuận lợi cho chủ phương tiện và nhà cung cấp dịch vụ, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn mở tài khoản thu phí, liên kết tài khoản và xử lý lãi phát sinh tại các tài khoản liên quan đến thu phí tự động không dừng.
“Quy định này hết sức linh hoạt do tài khoản có thể là trả trước, trả sau hoặc ví điện tử nên rất thuận lợi cho người dân tham gia”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Bộ GTVT chia hệ thống trạm thu phí BOT thành 2 giai đoạn để triển khai thu phí không dừng: Giai đoạn I áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác. Giai đoạn II áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.
Tổng số trạm thuộc phạm vi dự án của giai đoạn I (Dự án BOO1) là 44 trạm. Tính đến đầu tháng 5/2020, Bộ GTVT đã lắp đặt, vận hành từ 2-6 làn thu phí tự động không dừng tại 39 trạm.
Giai đoạn II (Dự án BOO2) của Vietel, do vướng mắc thành lập doanh nghiệp dự án nên chưa thể triển khai thực hiện.