Ngân hàng - Bảo hiểm
Mở “nút thắt” trong phát triển thanh toán không tiền mặt
N.Q - 24/06/2021 17:08
Sau 5 năm triển khai Đề án thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (12,21%).

Số liệu trên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê vào tháng 2/2021.

Một trong những nguyên nhân chính là do thói quen sử dụng tiền mặt đã bám rễ của đại bộ phận người dân, sự e ngại về thủ tục rườm rà và đặc biệt là về an toàn bảo mật. 

Để mở “nút thắt” tâm lý trên, ngoài những chính sách điều hành từ cơ quan quản lý, cần sự chung tay của các tổ chức tài chính – những đơn vị trực tiếp cung cấp phương tiện thanh toán, nhằm đơn giản hóa việc tiếp cận, gây dựng niềm tin và kích thích nhu cầu trải nghiệm.

Trên hành trình đó, Sacombank là đơn vị dẫn đầu khi tiên phong áp dụng công nghệ tiên tiến, đưa các dịch vụ, phương thức thanh toán hiện đại đến gần hơn với người dùng đại chúng. 

Không ngừng củng cố hàng rào bảo mật

Bản chất của hoạt động thanh toán không tiền mặt là các giao dịch điện tử và nền tảng công nghệ để các giao dịch này diễn ra thông suốt, an toàn.

Đây là lý do Sacombank luôn chú trọng ứng dụng các kỹ thuật mới nhất để cải tiến các phương thức thanh toán cũng như không ngừng hoàn thiện hệ thống kiểm soát xâm nhập, bảo mật thông tin.

Điển hình, năm 2017, Sacombank là ngân hàng đầu tiên ra mắt công nghệ thanh toán không tiếp xúc (Contactless), công nghệ thanh toán quét mã QR trên thiết bị di động đối với thẻ Visa và các điểm chấp nhận thẻ Visa, sau đó mở rộng ra các dòng thẻ khác.

Không chỉ rút ngắn thời gian, các công nghệ này còn giúp bảo mật thông tin cá nhân tối đa vì hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thiết bị thanh toán, người dùng có thể tự thực hiện mà không cần giao thẻ, tài khoản cho người khác hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cải tiến liên tục hạ tầng công nghệ của mình tương thích với sự chuyển biến của làn sóng khoa học kỹ thuật thế giới.

Cụ thể, Sacombank đã hoàn thiện mSign (soft-token) cho phép khách hàng sử dụng đa phương thức để xác nhận giao dịch như thao tác trực tiếp trên màn hình, chế độ QR Code hoặc dùng mã OTP sinh ra trên điện thoại, cũng như dùng FaceID (nhận diện khuôn mặt) hoặc vân tay để đăng nhập vào ứng dụng.

Nhờ đó, hạn chế tối đa tình trạng bị kẻ gian chiếm đoạt tiền thông qua việc giả mạo tin nhắn từ ngân hàng hay gửi đường link lừa đảo.

Ngân hàng cũng áp dụng công nghệ bảo mật mã hóa thông tin thẻ (tokenization) và xác thực giao dịch thương mại điện tử 3D Secure nhằm bảo vệ chủ thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử.

Đồng thời, trang bị công nghệ bảo mật IBM Trusteer dành cho thiết bị và điểm truy cập đầu cuối để tăng thêm lớp bảo mật cho các ứng dụng thanh toán. 

Tối giản thủ tục để thu hút khách hàng

Song song với triển khai các hạng mục an toàn bảo mật, Sacombank đặt nhiều nỗ lực vào gia tăng trải nghiệm khách hàng thông qua việc rút ngắn các thủ tục phê duyệt, đồng thời xây dựng các mô hình “all in one”, tích hợp nhiều chức năng vào trong một sản phẩm dịch vụ.

Nổi bật nhất là việc ngân hàng cho ra mắt Ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay trên nền tảng điện thoại di động.

Sacombank Pay hỗ trợ người dùng quản lý giao dịch và số dư tài khoản của mình, đồng thời cho phép thực hiện mọi hoạt động tài chính từ thanh toán hóa đơn điện nước, internet, học phí, thanh toán thẻ tín dụng, nạp tiền di động… cho đến mở tài khoản tiết kiệm, trả góp và vay tiêu dùng.

Đặc biệt, khách hàng không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng trước đó, có thể thực hiện xác thực trực tuyến eKYC để mở tài khoản số đẹp ngay trên ứng dụng cũng như nhận thẻ phi vật lý đa tiện ích.

Như vậy, thay vì phải đến trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện các thủ tục đăng kí, xác minh thông tin phức tạp, thì giờ đây mọi thao tác được gói gọn chỉ trong vài lần chạm trên màn hình.

Với sự bùng nổ của điện thoại thông minh giá rẻ và mạng lưới viễn thông, các tiện ích này của Sacombank Pay được dự đoán sẽ trở thành cú hích quan trọng, đưa xu hướng thanh toán không tiền mặt phổ biến đến mọi địa phương. 

Nhận xét về những nỗ lực này, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết: “Sacombank không chỉ tạo ra các sản phẩm công nghệ cao mà còn định hướng hành vi khách hàng để tạo xu hướng phù hợp và phương thức thanh toán không tiền mặt rõ ràng cho từng phân khúc cụ thể”.

Ông cũng khẳng định, các chiến lược phát triển ngân hàng số của Sacombank không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt mà còn là cách ngân hàng gia tăng tiện ích, tri ân các khách hàng đã tin yêu và sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình. 

Có thể nói, sự đồng hành của các tổ chức tài chính nói chung và Sacombank nói riêng là cơ sở vững vàng để thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt, để Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu về một xã hội không tiền mặt, nơi dòng tiền được luân chuyển dễ dàng, chi phí quản lý được tiết kiệm và kinh tế có động lực đi lên. 

Tin liên quan
Tin khác