Cho thuê lại lao động đi vào quy củ
TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động-Xã hội cho biết, hoạt động CTLLĐ đã xuất hiện ở Việt Nam từ trước khi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 bàn tới.
Từ năm 2001, đã có không ít công ty CTLLĐ, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực cho thuê vệ sỹ, nhân viên an ninh, giúp việc gia đình. Tuy nhiên, do lợi dụng vào việc thiếu các quy định điều chỉnh của pháp luật, nên các doanh nghiệp cắt xén khá nhiều quyền lợi của người lao động (NLĐ).
“Đơn cử như việc doanh nghiệp cho thuê cắt bớt tiền lương trên hợp đồng mà bên thuê trả cho NLĐ; đồng thời trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ trong khi trách nhiệm này thuộc về bên cho thuê”, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH nói.
Từ khi được luật hóa tại Bộ luật Lao động sửa đổi 2012, dịch vụ cho thuê lại lao động dần đi vào quy củ (ảnh minh họa) |
Khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp cho thuê thường tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho bên thuê, trong khi đa phần NLĐ thiếu kiến thức pháp luật thường chịu thiệt, hoặc mang tâm lý “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì có việc làm là tốt rồi.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 55//NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 về việc cấp phép hoạt động CTLLĐ, có tới gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực này và đã xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp, gây thiệt hại cho NLĐ. Tuy nhiên, cũng theo ông Bốn, từ khi có Nghị định 55 đến nay, hoạt động này đã dần đi vào quy củ.
Theo đó, Nghị định 55 quy định các doanh nghiệp muốn được cấp phép CTLLĐ phải ký quỹ 2 tỷ đồng; đồng thời Chính phủ cũng giới hạn 17 nhóm ngành nghề được CTLLĐ như: phiên dịch, kế toán, lái xe, nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh hay bán hàng…Đến nay, TP.HCM đã có 6 doanh nghiệp được cấp phép CTLLĐ và 5 doanh nghiệp đang chờ xét duyệt hồ sơ. Trên phạm vi cả nước, tổng số doanh nghiệp được cấp phép hiện có gần 30 đơn vị. “Qua kiểm tra cho thấy, nhiều công ty từng hoạt động không phép cũng đã phải dừng cho thuê lại lao động, góp phần minh bạch thị trường này”, ông Bốn khẳng định.
Có thể mở rộng lĩnh vực được cấp phép
Từ quan điểm của cơ quản quản lý, ông Bốn cho rằng, CTLLĐ là hoạt động nhạy cảm, quyền lợi của NLĐ dễ bị lợi dụng. Vì vậy, hoạt động này cần những doanh nghiệp có năng lực thực sự. Dù một số ý kiến phản biện quy định ký quỹ 2 tỷ đồng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhưng theo ông Bốn, số tiền ký quỹ 2 tỷ đồng không lớn, hơn nữa doanh nghiệp vẫn được nhận tiền lãi theo lãi suất ngân hàng từ tiền ký quỹ. Số tiền này thực chất là để cơ quan quản lý có thể dễ dàng trích nguồn từ đó để trả cHO NLĐ nếu phát hiện doanh nghiệp cho thuê sai phạm và tìm cách trốn tránh trách nhiệm chi trả các quyền lợi chính đáng cho họ.
Cũng có ý kiến cho rằng, Nghị định 55 hạn chế nhóm ngành nghề được phép CTLLĐ cũng là gây khó cho doanh nghiệp. “Về vấn đề này, Chính phủ và Bộ LĐ-TB & XH nhận thấy, do đây là lĩnh vực mới nên sẽ căn cứ vào tình hình triển khai luật trong thực tiễn để điều chỉnh dần dần. Nếu mở rộng ồ ạt sẽ gây khó cho cơ quan quản lý do năng lực thanh tra còn hạn chế, đồng thời ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi NLĐ”, ông Bốn nói thêm.
Dù cũng còn ý kiến trái chiều, nhưng nhận định này nhận được sự ủng hộ từ doanh nghiệp. Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Công ty TNHH Manpower Việt Nam, đơn vị vừa được cấp phép CTLLĐ cho rằng, việc nhiều công ty dù không đủ năng lực hoạt động, không được cấp phép vẫn CTLLĐ và tìm kiếm lợi nhuận bằng việc cắt xén quyền lợi của NLĐ sẽ làm méo mó thị trường, gây cái nhìn không tốt về hoạt động này. Các công ty hoạt động nghiêm túc vì thế cũng bị ảnh hưởng.
“Do đó, Manpower hoàn toàn ủng hộ việc ký quỹ bắt buộc và quản lý hoạt động kinh doanh bằng việc cấp phép nhằm thanh lọc thị trường, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ”, ông Simon Matthews chia sẻ.
Theo ông Matthews, đối với doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ CTLLĐ giúp cơ cấu doanh nghiệp trở nên gọn nhẹ, tối ưu hóa công tác quản lý hành chính, giải quyết phần nào bài toán khó về lao động thay thế tạm thời hoặc lao động theo dự án đặc biệt phù hợp với những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi vào nhiều thời điểm trong năm. Các công ty như Manpower (cho thuê) sẽ cho các công ty này thuê lại lao động và thực hiện toàn bộ công việc từ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến NLĐ như: tuyển dụng, thôi việc, thanh toán lương, thưởng và các chế độ trợ cấp, bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Công ty cho thuê có lợi nhuận từ phí quản lý mà bên thuê phải trả. Còn về phía NLĐ, hàng tháng họ không chỉ nhận đủ toàn bộ tiền lương thưởng theo hợp đồng do bên thuê chi trả mà còn có thể được hưởng các phúc lợi từ công ty cho thuê chuyên nghiệp và toàn cầu như Manpower.
“Dù Manpower cũng như nhiều doanh nghiệp khác mong muốn ngành nghề được cấp phép cho thuê lại lao động sẽ tăng lên so với con số 17 hiện tại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhưng việc cơ quan quản lý cho biết sẽ xem xét và mở rộng theo tình hình thực tế cũng là một thông tin đáng mừng vào lúc này”, ông Simon Matthews đánh giá.
Như Thuần