Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất sửa đổi bổ sung, quy định về đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối tượng được hưởng ưu đãi vừa ít, vừa khó xác định
Hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chức năng cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Theo quy định trên, thì đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ có phạm vi hẹp, chỉ bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hiềm một nỗi, hiện nay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo chỉ chiếm 0,3% và doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo (có thể tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị), chiếm khoảng 14% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghĩa là số lượng rất ít.
Hơn nữa, việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc, khó có thể đưa ra được các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc thù và nhu cầu hỗ trợ của từng lĩnh vực hoặc từng địa phương.
Hiện nay, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết ngành, chuỗi giá trị mới đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo, hoàn thiện và trình Chính phủ. Nội dung này được đề cập trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
Thực tế này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khiến cho số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ còn hạn chế.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính đến 31/12/2020, tuy số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn từ Quỹ còn hạn chế, nhưng các doanh nghiệp được vay vốn từ Quỹ đều hoạt động ổn định, trả nợ gốc, lãi đầy đủ, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Thậm chí, có 2 doanh nghiệp đã trả nợ trước hạn.
Mở rộng đối tượng vay giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn do đại dịch
Thông tin cho biết, tại thời điểm Quỹ đồng ý hỗ trợ các doanh nghiệp (năm 2017), tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp này là 531,8 tỷ đồng, tổng doanh thu là 789,8 tỷ đồng, tổng lợi nhuận là 22,65 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 4,3 tỷ đồng, còn tổng số lao động 949 người.
Nhưng đến thời điểm 31/12/2020, tổng nguồn vốn đã nâng lên 1.029,82 tỷ đồng, tổng doanh thu là 1.473,5 tỷ đồng, tổng lợi nhuận là 70,66 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20,3 tỷ đồng, còn tổng số lao động là 1.592 người.
Như vậy, sau 2 năm, tổng nguồn vốn tăng thêm của các doanh nghiệp được vay vốn từ Quỹ là 498 tỷ đồng, tăng 93,65%; tổng doanh thu tăng thêm 683,7 tỷ đồng, tăng 86,56%; tổng lợi nhuận tăng thêm 48 tỷ đồng, tăng 212%; thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 16 tỷ đồng, tăng 372%; còn số lao động tăng thêm 643 người, tăng 67,8%.
Các con số này đã cho thấy, đồng vốn hỗ trợ từ Quỹ thực sự đã có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, ngân hàng thương mại và nhiều địa phương cũng đã đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ của Quỹ là tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ.
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa về mức 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4.0%/năm (trung hạn).
Tuy nhiên, do đối tượng hỗ trợ của Quỹ có phạm vi hẹp nên số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi từ Quỹ trong thời gian vừa qua không nhiều.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 98,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Mở rộng đối tượng hỗ trợ của Quỹ sẽ giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và duy trì, mở rộng sản xuất - kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thì việc mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ là rất cần thiết.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi Điều 20 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ là doanh nghiệp nhỏ và vừa và đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Nếu đề xuất này được thông qua, việc sửa đổi, bổ sung Điều 20 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, do Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo.