Vàng, ngoại tệ đang dần chảy vào nền kinh tế
Liên tiếp 2 năm gần đây, hầu như năm nào, Chính phủ cũng có 3 - 4 lần “nhắc nhở” NHNN về chuyện huy động vàng, ngoại tệ trong dân. Tại các kỳ họp Quốc hội, vấn đề này cũng nhiều lần được các đại biểu đặt ra câu hỏi.
Thống kê của NHNN cho thấy, trước đây, bình quân mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra cả tỷ USD để nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, từ khi chính sách đồng bộ về quản lý vàng được ban hành, không những việc chi ngoại tệ cho nhập khẩu vàng bị cấm, mà người dân cũng không còn đổ xô vào kênh vàng.
Nên nâng nhẹ lãi suất tiền gửi USD để đẩy mạnh huy động ngoại tệ trong dân. Ảnh: Đức Thanh |
Tương tự, với ngoại tệ, chỉ trong 3 quý đầu năm nay, NHNN đã mua vào 6 tỷ USD - chủ yếu là từ nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân. Năm 2016, khoảng 10 tỷ USD đã được NHNN mua vào, chuyển hóa thành tiền đồng. Chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, cơ chế điều hành tỷ giá mới, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác đã khiến người dân không còn mặn mà với ngoại tệ và chuyển sang nắm giữ tiền đồng.
Thế nhưng, cùng với những thành quả ban đầu, cũng đã có nhiều lo ngại. Việc thắt chặt kênh đầu tư vàng, ngoại tệ có thể khiến một phần không nhỏ ngoại tệ chảy máu. Một thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) cho thấy, người Việt chi 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ. Con số này, theo NHNN, là không có cơ sở xác định, song nếu cộng với việc kiều hối có dấu hiệu suy giảm, thì cũng là một tín hiệu đáng cảnh báo.
Chính vì vậy, việc kiểm soát vàng, USD của NHNN trong thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, là rất hữu ích, song chưa đủ. Nhiều chuyên gia, như TS. Cấn Văn Lực, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nên nâng nhẹ lãi suất tiền gửi USD để huy động tốt hơn nữa tiền gửi ngoại tệ trong dân.
Mở rộng kênh mua bán USD, đừng nghĩ đến huy động vàng
Có thông tin cho rằng, nguồn lực ngoại hối trong dân hiện nay có thể lên tới 500 tấn vàng và hàng chục tỷ USD, nên không huy động nguồn lực này là lãng phí. Đây cũng là nguyên nhân mà Chính phủ yêu cầu NHNN huy động vàng, ngoại tệ trong dân cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, thực hư nguồn lực này trong dân rất khó xác định. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “NHNN không áp dụng trở lại lãi suất huy động tiền gửi bằng USD cũng có thể vì cơ quan này cho rằng, nguồn ngoại tệ dự trữ trong dân thực chất không lớn”.
-Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Một cựu quan chức của NHNN cũng cho rằng, nguồn vàng, ngoại tệ trong dân hiện nay không lớn như tin đồn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, lãi suất USD 0% hiện đang tạo ra hiệu quả rất tốt, bằng chứng là người dân đang dần từ bỏ nắm giữ ngoại tệ, mà chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Với chính sách tốt thì không nên thay đổi. Hơn nữa, cũng không ai dám chắc, lượng ngoại tệ trong dân nhiều đến mức để thay đổi chính sách.
“Thời gian tới, NHNN sẽ dần mở rộng thị trường tiền tệ, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân sẽ được đáp ứng đầy đủ và người dân sẽ không cần phải găm giữ ngoại tệ nữa”, TS. Nguyễn Tú Anh nói.
Riêng với huy động vàng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên đặt ra vấn đề này, đặc biệt nếu huy động vàng qua hệ thống ngân hàng lại càng phải tránh, bởi hệ thống ngân hàng đã có bài học đau đớn về vấn đề này. Chưa kể, một trong những chức năng của vàng là dự trữ tài sản. Việc người dân tích trữ vàng không hẳn để đầu cơ, mà còn để đảm bảo an toàn.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ xưa đến nay, vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn. Trong bối cảnh hiện nay, việc tích trữ vàng của người dân ít ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Hiện chưa phải là lúc thích hợp huy động vàng trong dân. Tìm cách huy động vàng trong dân vào sản xuất là không dễ và nhiều rủi ro.