Đầu tư
Mở thầu 13 gói thầu xây lắp tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi
Anh Minh - 16/09/2020 15:14
Đã có 34 liên danh, 10 nhà thầu độc lập nộp hồ sơ dự thầu tại 13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công.
Hiện nay các Ban QLDA đang tích cực đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo kết quả đánh giá chính xác, tuân thủ quy định.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến ngày 15/9, toàn bộ 13/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã được mở xong hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, vào 9h00 ngày 14/9/2020, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 đã tổ chức mở thầu 1 gói thầu còn lại thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Gói thầu 1 – XL). Lúc 14h00 ngày 14/9/2020, Ban QLDA Thăng Long đã tổ chức mở thầu 2 gói thầu còn lại thuộc Dự án Phan Thiết - Dầy Giây (Gói thầu 2 – XL và 3 – XL). Kết quả cho thấy, cả 3 gói thầu nói trên đều có nhiều hơn 3 nhà thầu tham dự, đủ điều kiện để mở thầu.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, 13/13 gói thầu thuộc 3 dự án đã được mở thầu thành công và chuyển sang giai đoạn đánh giá Hồ sơ dự thầu.

Cụ thể, tại Dự án Mai Sơn - QL45 gồm 5 gói thầu xây lắp, Ban QLDA Thăng Long đã nhận được 15 hồ sơ dự thầu, trong đó có 11 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 4 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập; 

Tại Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết gồm 4 gói thầu, Ban QLDA 7 đã nhận được 16 hồ sơ dự thầu, trong đó có 13 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 3 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.

Tại Dự án Phan Thiết - Dầu Giây gồm 4 gói thầu, Ban QLDA Thăng Long đã nhận được 13 hồ sơ dự thầu, trong đó có 10 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách là nhà thầu liên danh; 3 hồ sơ dự thầu tham gia với tư cách nhà thầu độc lập.

Được biết, trong 360 bộ hồ sơ mời thầu được phát hành có 44 hồ sơ nộp dự thầu, trong đó 34 nhà thầu tham gia với tư cách là Liên danh và 10 nhà thầu tham gia với tư cách độc lập. Có khoảng 50 doanh nghiệp xây lắp tham gia dự thầu với tư cách tham gia nhà thầu liên danh hoặc nhà thầu độc lập. Hầu hết những tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam như: Đèo Cả, Vinaconex, Cienco1, Cienco4, Cienco5, Cienco6, Cienco8, Trường Sơn, Sơn Hải, Xuân Trường, Licogi, Vạn Cường, Phương Thành, Trung Chính, Thăng Long, Cường Thịnh Thi, Hoàn Hảo, Đạt Phương, Hải Thạch, Trường Thịnh, Lilama, Tân Nam… đều đã nộp hồ sơ dự thầu.

Trước đó, ngày 4/9/2020, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 đã tổ chức công khai lễ mở thầu 13 gói thầu thuộc 3 dự án. Dự lễ mở thầu có sự tham gia giám sát của Cục Cảnh sát Điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03), Báo đấu thầu và Cục QLXD. Có 10/13 gói thầu có từ 3 nhà thầu tham gia trở lên đủ điều kiện mở thầu, còn 3 gói thầu (Gói thầu XL01 thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Gói thầu số 2-XL, số 3-XL thuộc Dự án Phan Thiết - Dầy Giây) có ít hơn 3 nhà thầu. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong công tác đấu thầu, Bộ GTVT đã chấp thuận gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày đối với 3 gói thầu Xây lắp trên (đến ngày 14/9/2020).

Bộ GTVT cho biết là hiện nay các Ban QLDA đang tích cực đánh giá hồ sơ dự thầu đảm bảo kết quả đánh giá chính xác, tuân thủ quy định. Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) thực hiện theo dõi quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, phối hợp chặt chẽ với các Vụ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, khoa học công nghệ trong quá trình thẩm định để trình Bộ GTVT phê duyệt các bước đánh giá đáp ứng tiến độ khởi công 1 gói thầu/1 dự án vào cuối tháng 9/2020 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.  

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 9/2020, Bộ GTVT đã chủ động có văn bản gửi Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đề nghị phối hợp, tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai các dự án nhằm giám sát, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng để đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam phải là các dự án mẫu mực.

Để có thể lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án trọng điểm quốc gia, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT và các quy định có liên quan cũng như từ thực hiện tại các Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.

Theo đó, để được đánh giá là đạt điểm kỹ thuật, các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm; phải đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây, trong đó nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh phải đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị do nhà thầu đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 70% phần công việc thực hiện tại gói thầu đang xét. Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá tính đáp ứng về kinh nghiệm căn cứ vào phạm vi công việc, tỷ lệ tham gia của từng thành viên trong liên danh…

Về nguồn lực tài chính, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng xác nhận có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác).

Về số lượng thành viên liên danh, hồ sơ mời thầu quy định không quá 3 thành viên trong 1 gói thầu, nhà thầu đứng đầu liên danh phải đảm nhận công việc nhiều nhất và từng thành viên phải đảm nhận lớn hơn hoặc bằng 25% giá trị gói thầu. Các nhà thầu chính được quyền thuê nhà thầu phụ nhưng tỷ lệ giao thầu phụ không quá 30% giá trị hợp đồng và nhà thầu chính phải thực hiện các công việc quan trọng chính yếu của gói thầu (tùy theo tính chất gói thầu để quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu.

Theo quy định tại hồ sơ mời thầu có phần chấm điểm đánh giá kỹ thuật bao gồm: giảipháp kỹ thuật (35 điểm); tiến độ thi công (20 điểm); biện pháp đảm bảo chất lượng (25 điểm); vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, an toàn giao thông và uy tín nhà thầu (20 điểm).

Hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu/liên danh nhà thầu phải có tổng số điểm lớn hơn hoặc bằng 70% tổng số điểm kỹ thuật và có điểm kỹ thuật của mỗi tiêu chí tổng quát lớn hơn hoặc bằng mức điểm tối thiểu bằng 70% của số điểm tối đa theo tiêu chí đó. Các hồ sơ dự thầu sẽ được đánh giá đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật và đưa vào đánh giá xem xét về tài chính.

Để đảm đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để có thể triển khai thi công các dự án đảm bảo hiệu quả, minh bạch, đúng tiến độ, Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để thúc đẩy quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác GPMB để sớm bàn giao mặt bằng, công địa sạch cho các nhà thầu thi công, tránh tình trạng “xôi, đỗ” gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng hiệu quả trong thi công.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2020, Bộ GTVT cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai. Tại công văn này, Bộ GTVT muốn lãnh đạo các tỉnh này chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành việc bàn giao toàn bộ mặt bằng 3 Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là Mai Sơn- QL45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây trước khi các gói thầu được đồng loạt khởi công.

“Để đảm bảo tiến độ khởi công 3 dự án trong tháng 9/2020, Bộ GTVT đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng  giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 13%), bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án trong tháng 8/2020”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Tin liên quan
Tin khác