Du lịch
Mở toang thị trường quốc tế, du lịch sẽ hồi sinh mạnh mẽ
Hồ Hạ - 20/02/2022 20:22
Việc dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế cùng điểm đến được xem là “đòn bẩy” quan trọng để ngành kinh tế xanh mở cửa hoàn toàn và phục hồi thị trường du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022.
Du khách nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các quy định hiện hành về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế

Chốt mở lại du lịch quốc tế từ ngày 15/3

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022.

Trước đó, trong nỗ lực phục hồi ngành kinh tế xanh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới từ ngày 15/3. 

Ngày 15/2, tại cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã thảo luận kỹ những nội dung để có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, nhằm mau chóng phục hồi, phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung.

Tính đến ngày 10/2/2022, Việt Nam đã đón gần 9.000 lượt khách du lịch quốc tế theo Chương trình thí điểm “hộ chiếu vắc-xin”. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…

Cụ thể, các biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra khi Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu.

Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trước đây, Việt Nam miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng do Covid-19 bùng phát và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép từ ngày 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và trở lại thực hiện như trước khi có dịch.

Theo đó, du khách quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc-xin phòng Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này. Khách đi bằng đường bộ, đường biển phải xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu. Du khách phải cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...

Theo đại diện Bộ Y tế, khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19; mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19, vì Việt Nam chưa thực hiện tiêm cho đối tượng này. Với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng, sau đó được tham gia các hoạt động du lịch bình thường và thực hiện xét nghiệm nhanh/RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K.

Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để được hưởng bảo hiểm trong trường hợp phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam. 

Trong Thông báo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức thực hiện.

Đòn bẩy phục hồi du lịch

Theo văn bản của Cục Hàng không Việt Nam gửi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam về việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ, từ 0 giờ ngày 15/2/2022, Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay quốc tế thường lệ, không thường lệ. Hành khách nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ quy định hiện hành về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, đến thời điểm này, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý nối lại chuyến bay thường lệ.

Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel bày tỏ vui mừng và nhận định, việc dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ, không thường lệ sẽ là “đòn bẩy” quan trọng để ngành kinh tế xanh mở lại hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế từ ngày 15/3.

Để đón được du khách ngay khi mở cửa, theo ông Đạt, Chính phủ cần sớm công bố thời gian chính thức mở lại hoàn toàn du lịch quốc tế kèm theo các quy định về y tế đối với du khách để các bên liên quan sẵn sàng mọi điều kiện, không bị lúng túng khi triển khai. Về phía các đơn vị, doanh nghiệp, cần khẩn trương chỉnh trang cơ sở vật chất, chuẩn bị nhân sự… để sẵn sàng phục vụ du khách.

Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cũng đề xuất, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách chung, đồng nhất, mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dịch vụ để tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Đặc biệt, công tác truyền thông đang được đặt ra bức thiết. Bởi hiện tại, các doanh nghiệp du lịch gần như đã kiệt quệ về tài chính, nên cần sự đồng hành thiết thực của Nhà nước, các địa phương và các cơ quan truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam sẵn sàng đón du khách nước ngoài. 

“Khi cho phép mở cửa du lịch quốc tế, Nhà nước hỗ trợ ngân sách quảng bá, xúc tiến, đồng thời tập hợp sức mạnh của doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, sẽ tạo ra lực hút lớn đối với các doanh nghiệp, du khách quốc tế, giúp ngành kinh tế xanh hồi sinh mạnh mẽ”, ông Nghĩa kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác