Du lịch
Mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài: “Át chủ bài” hút khách quốc tế
Hồ Hạ - 13/04/2023 08:15
Mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài được nhiều quốc gia xem là “át chủ bài” trong công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút du khách quốc tế. Nhưng với Việt Nam, đây vẫn là điểm yếu lớn, bởi mới có 3 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài.
Ảnh minh họa.

Chưa có quy chế thành lập, vận hành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài

Đánh giá về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo ngành du lịch đa dạng hóa nhiều kênh quảng bá, xúc tiến du lịch khác nhau, nhưng sự đầu tư về mặt tài chính vẫn rất khiêm tốn.

“Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí của Malaysia. Vì thế, chúng ta không thể hoặc có tham gia vào các sự kiện du lịch lớn của khu vực và thế giới cũng không thể tổ chức gian hàng lớn hay thiết kế được những cuộc gặp B2B, B2C hiệu quả”, PGS-TS Phạm Hồng Long nêu thực tế.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết, nhiều quốc gia đã và đang coi việc mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài là “át chủ bài” của hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút du khách quốc tế.

Ông dẫn chứng, Thái Lan hiện có 29 văn phòng như vậy ở 3 châu lục lớn, gồm 18 văn phòng đại diện ở châu Á, 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ. Từ năm 2019, Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, Singapore có 23 văn phòng, Hàn Quốc có 31 văn phòng. Trong khi đó, Việt Nam mới mở 3 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài (tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh).

Theo Quyết định phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 2/3/2023, nhằm nâng cao năng lực tiếp thị, Bộ dự tính xem xét tranh thủ nguồn lực của khu vực tư nhân hoặc thành lập đại diện xúc tiến du lịch thông qua cơ chế hợp đồng, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại. Bộ khuyến khích Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch nòng cốt thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm. 

Theo PGS-TS Phạm Hồng Long, mặc dù một số công ty du lịch lớn của Việt Nam có văn phòng đại diện ở nước ngoài, nhưng cần phải có văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để tạo sự tin tưởng với các đối tác và du khách.

Mô hình hoạt động thử nghiệm của Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Anh là văn phòng đầu tiên theo mô hình hợp tác công - tư, do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vận động kinh phí từ các nhà tài trợ chính trong ngành du lịch và hàng không theo mô hình đối tác công - tư. Mỗi năm, TAB chi khoảng 3 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên và vận hành văn phòng, cộng thêm khoảng 4 tỷ đồng cho các hoạt động theo sự kiện được ký hợp đồng riêng.

Chỉ trong 8 tháng gần đây, mỗi tháng, văn phòng này đều đặn gửi một thông cáo báo chí đến tất cả các hãng truyền thông lớn tại Anh và một bản tin cập nhật tin tức du lịch Việt Nam đến các hãng lữ hành lớn tại Anh. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc gặp với các đối tác thương mại, các hãng truyền thông; viết 43 bài báo giới thiệu về du lịch Việt Nam với gần 182 triệu lượt người đọc. Văn phòng cũng đã thực hiện nghiên cứu thị trường Anh để gửi báo cáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch.

Theo TAB, hiện nay, nền tảng du lịch trực tuyến và văn phòng đại diện du lịch tại thị trường mục tiêu là hai hoạt động hiệu quả và có tác động lớn, bền vững nhất trong việc xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Mặc dù nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng TAB vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn mở văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Chẳng hạn, hiện  chưa có quy chế thành lập và vận hành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, chưa có thỏa thuận chính thức nào giữa TAB và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Tổng cục Du lịch về hợp tác công tư trong việc vận hành Văn phòng Xúc tiến du lịch.

Cần có văn phòng đại diện du lịch tại các trường mục tiêu

Trên cơ sở thành công bước đầu của Văn phòng Xúc tiến du lịch tại Anh, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, Chủ tịch TAB đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết Thỏa thuận hợp tác về vận hành văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài theo đúng mô hình hợp tác công tư, phù hợp với chiến lược marketing mới được phê duyệt.

Tổng cục Du lịch phối hợp đóng vai trò chỉ đạo, định hướng các hoạt động, cung cấp nội dung chiến dịch tiếp thị của văn phòng; TAB chịu trách nhiệm về kinh phí và hướng dẫn văn phòng hoạt động một cách hiệu quả, theo đúng định hướng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ kinh phí triển khai một số chiến dịch tiếp thị du lịch theo kế hoạch nhằm hỗ trợ hoạt động của Văn phòng. Cho phép TAB tiếp tục hỗ trợ và vận hành nền tảng du lịch trực tuyến của Việt Nam do TAB hỗ trợ phát triển từ năm 2016.

Chủ tịch Thiên Minh Group cũng kiến nghị Chính phủ có chỉ thị về việc thành lập và quy chế vận hành các văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài để có sự phối hợp cao giữa các cơ quan đại diện ngoại giao với các văn phòng xúc tiến du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện mở thêm các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Australia, Bắc Mỹ và hỗ trợ thêm văn phòng tại Hàn Quốc, mở văn phòng mới tại Nhật Bản.

“Thiên Minh Group cam kết tiếp tục đóng góp vào Quỹ để hỗ trợ mở thêm văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam. Các nhà tài trợ sẽ lên kế hoạch chuyển giao lại các văn phòng xúc tiến du lịch cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý khi các quy định của Nhà nước sẵn sàng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để các hoạt động quảng bá Việt Nam được hiệu quả nhất, chuyên nghiệp và minh bạch nhất”, ông Kiên bày tỏ.

Hoàn toàn đồng tình với những đề xuất trên, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng, hàng năm, mục tiêu gia tăng lượng du khách đến Việt Nam vẫn được đặt ra, nhưng cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu để có chiến lược thu hút phù hợp.

“Việc thiếu văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài cũng là điểm cần khắc phục gấp, nhất là ở các trường mục tiêu. Phải chia nhỏ thị trường, thấu hiểu khách hàng. Những hình ảnh quảng bá phải được thực bởi chuyên gia và thống nhất những hình ảnh trải nghiệm, nói ngôn ngữ của khách, lấy du khách làm trung tâm thỏa mãn họ”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác