Hướng tới vị trí thứ 2 trên thị trường viễn thông
Tổng công ty Viễn thông MobiFone vừa tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ nhất. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng với sự phát triển của MobiFone hậu tái cơ cấu.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu, Công ty Thông tin di động (VMS – MobiFone) tách ra thành một nhà mạng độc lập với Tập đoàn VNPT, thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone và đi vào hoạt động với tư cách pháp nhân mới, với điều lệ mới, với ngành nghề hoạt động được mở rộng hơn trước, tương đồng với ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn VNPT.
Mục tiêu, chiến lược của MobiFone trong giai đoạn 2015 - 2020 là “rút ngắn khoảng cách với đối thủ chính Viettel, giữ vị trí thứ 2 tại Việt Nam” |
Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV MobiFone cho biết, chiến lược phát triển của MobiFone đến năm 2020 là trở thành một doanh nghiệp viễn thông hàng đầu, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp viễn thông khác trên thị trường, tiến tới kinh doanh đa dịch vụ. Bên cạnh việc duy trì những mảng kinh doanh truyền thống, MobiFone sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực mới.
Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone khẳng định, mục tiêu đến năm 2020 của MobiFone là giữ vị trí số 2 tại Việt Nam, rút ngắn khoảng cách với đối thủ chính là Viettel. Cụ thể, từ 2015 - 2020 tiếp tục gia tăng thị phần thuê bao di động đến mức 35-40%, thị phần 3G từ 30-40%. Đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, đến năm 2020 đạt doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế bình quân hàng năm tăng 3-5%, nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 5%/năm, năng suất lao động bình quân tăng 6%/năm.
Theo lãnh đạo MobiFone, doanh thu của MobiFone sẽ được cấu thành 4 lĩnh vực lớn là di động, truyền hình, bán lẻ, đa phương tiện. MobiFone xây dựng hệ thống kênh phân phối rộng về quy mô, chất lượng. Chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường sẽ dựa trên các yếu tố "Tư vấn - Đào tạo - Truyền thông - Liên kết - Phân khúc - Cộng hưởng".
Nhiều thách thức
Nhìn vào tình hình kinh doanh thực tế của MobiFone những năm gần đây có thể thấy MobiFone đang đặt ra một mục tiêu rất lớn.
Trong giai đoạn 2010 - 2014, tổng doanh của MobiFone đạt hơn 191.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 8%/năm. Năm 2014 chỉ đạt hơn 36.600 tỷ đồng, nếu đặt mục tiêu doanh thu đến 2020 là hơn 100.000 tỷ đồng có nghĩa là MobiFone phải tăng trưởng doanh thu gần gấp 3 lần thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, trụ cột chính mang lại doanh thu của MobiFone được xác định là di động, truyền hình, bán lẻ, đa phương tiện. Trên thực tế, phần lớn các yếu tố trụ cột mang lại doanh thu cho MobiFone đều là những lĩnh vực hoặc là MobiFone mới tham gia hoặc là đang gặp nhiều khó khăn.
Với lĩnh vực di động, lĩnh vực “chủ công” truyền thống của MobiFone trong suốt nhiều năm qua hiện đang gặp khó khăn. Thị trường thuê bao di động đã bão hòa, doanh thu từ thoại đang giảm dần. Các nhà mạng đối thủ của MobiFone đang có sự cạnh tranh quyết liệt. Trong 3 nhà mạng, dù MobiFone đang giữ vị trí thứ 2 về thuê bao nhưng trên thực tế, nền tảng chính là hạ tầng của MobiFone đang kém xa Viettel và kém cả VinaPhone. Muốn phát triển thuê bao, cung cấp dịch vụ đa dạng để giành và giữ khách hàng, MobiFone cần có hệ thống trạm 3G và tiến tới là trạm 4G rất lớn. Đây là khoản đầu tư được tính bằng hàng tỷ USD và đòi hỏi phải có thời gian.
Trong mảng truyền hình trả tiền, bán lẻ hay đa phương tiện thì so với Viettel, FPT, VNPT, MobiFone chỉ là “lính mới”, đang trong giai đoạn đầu tư.
MobiFone muốn phát triển truyền hình là khá khó khăn, bởi chưa sở hữu một hạ tầng truyền dẫn. Để có hạ tầng này thì chi phí đắt đỏ, thời gian xây dựng dài, ngay như Viettel với việc sở hữu hơn 200.000 km cáp quang, nhưng 3 năm nay cũng chưa làm nên cơm cháo gì. Hoặc MyTV của VNPT triển khai gần 10 năm nay nhưng lượng thuê bao đang giảm dần và chật vật để tồn tại. Chưa kể đến nếu tham gia lĩnh vực này, MobiFone sẽ phải “thi đấu” với các đại gia khủng của truyền hình trả tiền như VTVCab, K+, SCTV…
Trong lĩnh vực bán lẻ, Viettel với hệ thống gần 1.000 cửa hàng, hệ thống FPT Retail của FPT hiện đang có gần 200 cơ sở bán hàng trên toàn quốc, VNPT và VinaPhone cũng đang sở hữu một mạng lưới điểm kinh doanh lớn trên toàn quốc… MobiFone muốn giành được một miếng bánh trong phân khúc này cũng là một vấn đề lớn.
Cơ hội của MobiFone có lẽ sẽ do 4G mang lại. Tuy nhiên, trụ cột mới này sẽ đòi hỏi một nguồn lực tài chính lớn và công nghệ rất cao. Khó khăn, thử thách đang đón chờ MobiFone phía trước. Hy vọng rằng, sau cổ phần hóa, với sự “tiếp sức” của cơ chế mới, MobiFone sẽ sớm “lột xác”.