Tin nhắn lừa đảo qua điện thoại có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. |
Lừa đảo qua điện thoại tăng mạnh
Đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng đều đã được cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money. Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, với mạng lưới rộng lớn, không cần mạng Internet hay điện thoại thông minh, không cần có điện…, với Mobile Money, người dân vẫn có thể dễ dàng chuyển tiền, thanh toán… Chính vì đơn giản, tiện lợi, Mobile Money được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi văn hóa và thói quen người dân, nhanh chóng phổ cập thanh toán số ở khu vực nông thôn.
Mặc dù vậy, tại thời điểm hiện tại, nhiều người dân ở nông thôn vẫn còn khá ngại ngần với hình thức thanh toán mới này. “Vua Vịt trời” Nguyễn Danh Cường, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho hay, ở nông thôn, người dân vẫn sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Nguyên nhân là, ngoài thói quen chi tiêu tiền mặt, người dân còn lo ngại về an ninh, bảo mật.
Trên thực tế, lừa đảo qua điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, thời gian qua, nhiều người dân tại Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên… đã bị mất tiền do dính chiêu lừa nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các đầu số 052…; +84563…; +84528…; +84582…; +4841900.... gọi điện, nhắn tin SMS hoặc qua Zalo tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều người dân sau khi nghe điện thoại hoặc nhận tin nhắn lừa đảo, làm theo hướng dẫn và đã bị mất tiền.
Tuần qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, tội phạm lừa đảo qua điện thoại vẫn hết sức phức tạp. Thủ đoạn quen thuộc là các đối tượng giả danh người có chức vụ, quyền hạn (công an, viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông) hoặc giả danh nhân viên bưu điện, nhân viên viễn thông, điện lực, nhân viên ngân hàng… gọi điện cho nạn nhân, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản người dân.
Trong khi lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn nở rộ, thì nhà mạng chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời, khiến nhiều khách hàng sập bẫy. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bức xúc, thời gian qua, rất nhiều tin nhắn giả mạo SMS brandname (tin nhắn định danh thương hiệu, là tin nhắn không hiển thị số thuê bao, mà chỉ hiện tên các thương hiệu đã được đăng ký và xét duyệt từ nhà mạng) diễn ra tràn lan. Nhiều khách hàng mất tiền tỷ vì tin nhắn giả mạo này. Trong khi đó, các nhà mạng chưa phối hợp kịp thời với các ngân hàng để “vá lỗ hổng” lừa đảo này.
Nếu tình trạng lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn này chưa được ngăn chặn kịp thời, nhiều người lo ngại, khi được triển khai, Mobile Money cũng sẽ trở thành miếng mồi béo bở của lừa đảo công nghệ.
Nhà mạng trấn an, người dùng vẫn lo lắng
Đơn giản, tiện lợi là ưu điểm của Mobile Money, song cũng là nỗi lo khiến nhiều người chưa dám đăng ký sử dụng dịch vụ, mặc dù một số nhà mạng đã bắt đầu hướng dẫn người dân đăng ký. Trước lo lắng của khách hàng, ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel nhấn mạnh, Mobile Money là túi tiền của khách hàng. Chính vì vậy, tính bảo mật luôn được Công ty đặt lên hàng đầu.
"Thời gian qua, có nhiều trường hợp bị tấn công tài khoản ngân hàng, khiến người tiêu dùng lo sợ, song nguyên nhân không phải do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, mà do sự chủ quan của chính người dùng. Với bất kỳ dịch vụ thanh toán số nào nói chung, nhất là với Mobile Money, khách hàng cần phải lưu ý bảo mật. Chúng tôi luôn có bảo mật hai lớp, có mã xác thực gửi về chính chủ. Người dùng phải lưu ý không được cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Rất nhiều người mắc phải lỗi này, hồn nhiên cung cấp mã OTP cho người khác. Tuy nhiên, một khi hiểu rõ mối rủi ro, người dân sẽ dễ dàng hình thành thói quen mới và sử dụng công nghệ, tận hưởng cuộc sống hiện đại”, ông Việt nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính số VNPT (VNPT Fintech) cũng khẳng định, để được cấp phép thí điểm Mobile Money, bản thân VNPT và các nhà mạng đã phải trải qua quy trình thẩm định rất chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an. Các giải pháp kỹ thuật của Mobile Money đều tuân thủ các quy định của Nhà nước và Bộ Công an, đảm bảo an toàn, bảo mật cho người dùng.
Như vậy, rủi ro của Mobile Money nếu xảy ra, như khẳng định của các nhà mạng, chủ yếu là do sự chủ quan của người dùng, không phải do lỗi của nhà mạng. Tuy nhiên, do đối tượng nhắm tới của Mobile Money là người dân vùng sâu, vùng xa, nơi hiểu biết về công nghệ còn hạn chế, nên dù nguy cơ bị tội phạm công nghệ nhắm vào là rất lớn. Vì vậy, để Mobile Money trở thành kênh toán toán phổ cập, giúp phủ sóng tài chính toàn diện khu vực nông thôn, các nhà mạng cũng cần tập trung tuyên truyền cho người dân về an toàn, bảo mật.
Bên cạnh đó, tấn công phishing (giả mạo) vào ngân hàng cũng tăng rất mạnh, nhất là qua tin nhắn, mạng xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 3.000 tên miền lừa đảo, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020, nhắm vào ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ chuyển tiền quốc tế.
Các vụ lộ, lọt dữ liệu cũng diễn ra ngày càng nhiều. Nếu như năm 2020 cả nước có 8 vụ rò rỉ dữ liệu lớn, thì nửa đầu năm 2021 đã có 16 vụ rò rỉ dữ liệu lớn, trong đó có 2.000 tài khoản trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.
- Ông Lê Quang Hà, Giám đốc Sản phẩm của Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ - Công ty An ninh mạng Viettel (VCS - Viettel Cyber Security)