Doanh nghiệp
Mới có thanh long được cấp phép, Bộ trưởng Công thương đề nghị Ấn Độ mở cửa cho nông sản Việt Nam
Thế Hải - 15/02/2023 10:29
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ấn Độ tiếp tục mở cửa cho nông sản của Việt Nam tại buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, Sandeep Arya.
Bộ trưởng Công thương đề nghị Ấn Độ đẩy mạnh mở cửa thị trường đối với hàng nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya.

Ấn Độ hiện đã trở thành đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong năm qua đạt 15 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021, giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022 đạt 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với 6,96 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Điện thoại các loại và linh kiện có giá trị cao nhất với 1,52 tỷ USD, tăng 18,4% so với 1,29 tỷ USD trong năm 2021. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,03 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ấn Độ phối hợp chặt chẽ để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa cho hàng hóa nông sản từ Việt Nam.

Bộ trưởng Diên cho biết, Việt Nam có rất nhiều trái cây nhiệt đới đặc sản tươi ngon, nhưng đến nay mới chỉ có quả thanh long được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ. Bộ trưởng đề nghị  Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya hỗ trợ đẩy nhanh quy trình cấp phép nhập khẩu cho trái cây của Việt Nam, trước hết là nhãn, bưởi, chôm chôm và sầu riêng, sau đó là các loại khác như bơ, dừa, dưa hấu, dâu tây.

Đồng thời, 2 bên tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm từ Ấn Độ, nông thủy sản, thực phẩm từ Việt Nam.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng bày tỏ quan ngại đối với các biện pháp chính sách của Ấn Độ trong thời gian qua như áp giá sàn nhập khẩu hồ tiêu, hạt điều, hạn chế nhập khẩu hương nhang, các yêu cầu xác minh xuất xứ hàng hóa theo Luật Hải quan CAROTAR 2020.

Các quy định này tạo ra gánh nặng, gây thiệt hại đối với doanh nghiệp xuất khẩu và có thể cản trở thương mại. Đề nghị Đại sứ quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy các cơ quan liên quan của Ấn Độ xem xét nghiêm túc quan ngại cuả Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung; có hướng giải quyết phù hợp, trên cơ sở tuân thủ các quy định/cam kết trong các khuôn khổ đa phương và lợi ích chính đáng của các bên.

Theo Đại sứ Sandeep Arya, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Ấn Độ trong ASEAN, kinh tế Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ tương đối lớn. Đặc biệt, quan hệ giữa hai nước hiện nay là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như chính sách Hành động hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ.

"Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dầu khí, công nghệ thông tin, kinh tế số, dược phẩm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0…", Đại sứ Sandeep Arya nhấn mạnh.

Hiện, hai nước đang thúc đẩy, chuẩn bị cho các chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2023. Chính vì vậy, trọng tâm ưu tiên là tổ chức các cuộc làm việc cấp kỹ thuật để giải quyết các nội dung tồn đọng, các vướng mắc trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương.

Bộ trưởng Công thương và Đại sứ nhất trí sẽ sớm thúc đẩy tổ chức kỳ họp tiếp theo của Tiểu ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Ấn Độ tại New Dehli trong nửa đầu năm 2023 để đóng góp kết quả và nội dung thực chất cho cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ và cho các chuyến thăm lẫn nhau trong năm 2023 của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Tin liên quan
Tin khác