Theo các điều khoản thỏa thuận với Malaysia, Tesla có thể trực tiếp bán xe điện sản xuất tại Thượng Hải (Trung Quốc) mà không phải chịu bất kỳ thuế nhập khẩu hay phí trung gian nào. Ảnh: AFP |
Miễn thuế nhập khẩu
"Xe điện tình cờ là ưu tiên của chúng tôi", Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trả lời phỏng vấn đài CNBC mới đây tại văn phòng Thủ tướng ở Putrajaya, ngay phía nam thủ đô Kuala Lumpur.
Động thái có tính bước ngoặt của hãng xe điện Tesla đối với Malaysia được kỳ vọng thúc đẩy vị trí của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng xe điện và đây là thỏa thuận đầu tiên theo sáng kiến “Các nhà lãnh đạo toàn cầu về xe điện chạy bằng pin” của Malaysia.
Thỏa thuận giúp hãng xe điện Mỹ mở rộng tiếp cận một thị trường mới khi tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc và các thị trường lớn khác đã chững lại.
Theo các điều khoản thỏa thuận với Malaysia, Tesla có thể trực tiếp bán xe điện sản xuất tại Thượng Hải (Trung Quốc) mà không phải chịu bất kỳ thuế nhập khẩu hay phí trung gian nào.
Tesla sẽ thành lập trụ sở khu vực và trung tâm dịch vụ tại bang Selangor (Malaysia). Trung tâm này được trang bị các thiết bị quét lỗi ô tô hiện đại cùng đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản của Tesla.
Người dùng xe Tesla sẽ có quyền sử dụng mạng lưới trạm sạc pin ở các khu vực đô thị lớn tại Malaysia và theo kế hoạch, trạm sạc đầu tiên sẽ được đặt tại trung tâm thành phố Kuala Lumpur.
Ngoài ra, Tesla cũng có kế hoạch bắt tay vào sản xuất pin xe điện tại Malaysia.
Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết Malaysia sẵn sàng đón nhận nhiều khoản đầu tư xe điện hơn nữa, kể cả từ các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc. Trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc "chưa đặt vấn đề", Thủ tướng Malaysia cho rằng "khả năng đó sẽ mở ra".
Ông Anwar Ibrahim cho rằng sức mạnh tổng hợp sẽ hình thành khi các công ty nước ngoài như Tesla đầu tư vào Malaysia, đồng thời nói thêm rằng “điều đó có thể mang lại lợi ích cho ba hoặc bốn ngành công nghiệp địa phương”.
Miễn áp dụng vốn cổ phần tối thiểu
Malaysia lâu nay áp dụng chính sách ưu tiên người bản địa Bumiputera, bao gồm cộng đồng người Mã Lai theo đạo Hồi và các nhóm bản địa không phải người Mã Lai.
Các liên doanh nước ngoài muốn khởi sự ở Malaysia phải tuân thủ quy định vốn cổ phần tối thiểu mà người bản địa sở hữu là 30%. Tuy nhiên, Tesla được miễn áp dụng quy định này.
"Đối với tôi, [thỏa thuận với Tesla] cũng tốt như việc đặt ra yêu cầu 30% vốn cổ phần", Thủ tướng Malaysia đánh giá. Ông cho rằng: "Trên thực tế, xét về lợi ích thực sự mang lại cho nền kinh tế - điều đó (thỏa thuận đó - BTV) còn tốt hơn".
Sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia vào năm ngoái, ông Anwar Ibrahim cam kết chống tham nhũng và xây dựng "Malaysia cho tất cả người dân Malaysia", tuy nhiên điều này dẫn đến những chỉ trích rằng ông có thể đang tìm cách xóa bỏ các đặc quyền của chính sách Bumiputera.
Tesla không phải trường hợp đầu tiên được Malaysia miễn áp dụng yêu cầu về vốn chủ sở hữu như vậy.
"Điều này không mới. Đã có những ngoại lệ... được đưa ra cho lĩnh vực chuyển đổi số, cho các hoạt động hoặc đầu tư liên quan đến công nghệ thông tin", Thủ tướng Malaysia cho biết. "Chúng tôi đã làm điều đó trong quá khứ - rất chọn lọc. Vì vậy, vấn đề không chỉ là Elon Musk, điều mà tôi nghĩ ở đất nước này rất cần thiết để mang lại niềm tin và sự tham gia của các bên khác của chúng tôi".
Trước Telsa, hãng ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động trị giá 10 triệu USD tại thị trấn Tanjong Malim của bang Perak, còn hãng sản xuất chip Đức Infineon Technologies cam kết đầu tư 5 tỷ EUR (tương đương 5,46 tỷ USD) vào mở rộng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Kulim ở bang Kedah.
Chính quyền của ông Anwar Ibrahim cho rằng đầu tư nước ngoài vào Malaysia tăng đột biến là nhờ sự ổn định chính trị. Malaysia đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng khoảng 3,1 tỷ ringgit (666,9 triệu USD) trong quý II/2023, bằng khoảng 1/4 con số 12 tỷ ringgit trong quý I, theo số liệu chính thức.
"Cần phải đưa ra các biện pháp khuyến khích, nhưng điều quan trọng hơn theo tôi, so với sự công bằng, là [việc] đào tạo", Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh. Ông lưu ý: "Đó là chuyển giao công nghệ - liệu có sự chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục chuyển giao cũng như đào tạo nhân sự của chúng tôi và thay đổi các quy định theo các ưu tiên của chúng tôi hiện nay không?"
Khi được hỏi liệu Malaysia có đặt mục tiêu trở thành "nước lắp ráp khâu cuối cùng" và thăng hạn trong chuỗi cung ứng hay không, ông Anwar Ibrahim cho biết: "Quả thật, còn quá sớm để tôi cam kết". "Nhưng điều quan trọng là chúng tôi có khả năng sản xuất các bộ phận của pin… chúng cần thiết cho ô tô".
Malaysia đã sẵn sàng sản xuất pin xe điện. "Và nó rẻ hơn, được sản xuất tại địa phương. Và đó là lợi thế", Thủ tướng Malaysia nhấn định.
Trong khi đó, nước láng giềng Indonesia đã theo đuổi thu hút đầu tư từ Tesla trong nhiều năm qua, nhưng nỗ lực đó vẫn chưa đem lại bất kỳ thỏa thuận hợp tác hữu hình nào với hãng xe điện Mỹ.
Indonesia là "hàng xóm quan trọng đối với chúng tôi và [chúng tôi có] nhiều điểm chung", Thủ tướng Malaysia nói. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đang phối hợp rất ăn ý với nhau, cả trong hợp tác chính phủ và tư nhân. Và tôi nghĩ thay vì tham gia vào một cuộc chơi cạnh tranh khốc liệt, chúng ta nên bổ sung cho nhau".
Năm 2022, Tesla trở thành hãng xe điện đầu tiên trong lịch sử đánh bại những hãng xe truyền thống để trở thành hãng xe đắt giá nhất thế giới với tổng giá trị 66,2 tỷ USD, tăng khoảng 44% so với năm 2021, theo số liệu của Brand Finance.
Trước đó, Toyota vẫn bám trụ ở vị trí hãng xe có giá trị lớn nhất toàn cầu, với mức định giá gần 60 tỷ USD trong năm 2021 và 2022.